Khánh Hoà dừng phát triển 4 dự án thuỷ điện để giảm tác động xấu đến môi trường

Trung bình 1 MW thủy điện nhỏ và vừa chiếm dụng khoảng 7,4 hecta (ha) đất các loại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường

khánh hoà dừng 4 dự án thuỷ điện

(Ảnh: Shutterstock)

Chiều 20/10, Sở Công thương Khánh Hòa cho biết, UBND tỉnh này vừa có văn bản thống nhất với đề xuất của đơn vị về việc không phát triển thêm các dự án thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn nhằm đảm bảo an toàn cho vùng hạ du.

Khánh Hoà dừng phát triển 4 dự án thuỷ điện vừa và nhỏ

Tỉnh Khánh Hòa có 8 dự án thủy điện vừa và nhỏ được Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch. Tổng công suất của 8 dự án này hơn 110 MW. Trong đó, có 3 dự án đang phát điện với công suất khoảng 30 MW/nhà máy. Gồm: Nhà máy thủy điện Ea Krong Rou, Nhà máy thủy điện sông Giang, Nhà máy thủy điện Sông Chò 2 tại huyện Khánh Vĩnh và thị xã Ninh Hòa. Một dự án đang được đầu tư xây dựng là Nhà máy thủy điện Sông Giang 1, công suất 12MW tại xã Khánh Trung, Khánh Vĩnh.

4 dự án còn lại đã loại ra khỏi quy hoạch. Vì các dự án này có công suất nhỏ nhưng diện tích đất rừng bị chiếm dụng lại lớn. Ngoài ra, chưa có nhà đầu tư nhận thực hiện các dự án này hoặc đã có nhưng chậm triển khai.

Liên tục từ chối các dự án thuỷ điện nhỏ

Thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư đề nghị tỉnh cho phép khảo sát đầu tư các dự án thủy điện nhỏ. Nhưng UBND tỉnh Khánh Hòa đều từ chối vì tác động lớn đến môi trường. Chỉ trong tháng 7, tỉnh Khánh Hoà đã liên tiếp nhận được 3 đề nghị xin chủ trương đầu tư, khảo sát, nghiên cứu và bổ sung quy hoạch dự án thuỷ điện.

Bà Lê Thu Hải – Giám đốc Sở cho biết, dự án thủy điện mang đến nhiều tác động tiêu cực. Bởi khi thực hiện các dự án này phải thu hồi nhiều diện tích đất các loại. Trung bình 1 MW thủy điện nhỏ và vừa chiếm dụng khoảng 7,4 ha đất. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường. Bà Hải cho biết:

“Các con sông ở Khánh Hòa đều bắt nguồn từ vùng cao, chủ yếu đi qua vùng rừng tự nhiên. Chiều dài sông ngắn và đều đổ trực tiếp ra biển. Vì vậy, những tháng mùa khô, các con sông này có nguy cơ bị xâm nhập mặn cao; ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt…”

Việc hình thành các tuyến đường phục vụ thi công và vận hành công trình bị lâm tặc lợi dụng tiếp cận để gia tăng chặt phá rừng; vận chuyển gỗ trái phép, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân phía dưới chân công trình. Cùng với đó, hoạt động phát quang, san lấp mặt bằng gây thêm xáo trộn, suy giảm thảm thực vật, tài nguyên rừng. Ngoài ra, các hoạt động này còn làm tăng nguy cơ xói mòn cho khu đất; tăng nguy cơ sụt lở đất; thay đổi điều kiện và khí hậu khu vực dự án.

Tiếp Thị Gia Đình

Theo: Môi trường & Cuộc sống

Đừng bỏ qua