14 năm, sao nhân tâm vẫn còn dấu ngã?

Sự nhẫn tâm của con người, chẳng cần phải nhìn tới chiến tranh hay những đấu đá, đố kỵ, mà có khi chỉ đơn giản hiển hiện như thế này

Nói về tình yêu thương giữa người và các loài vật, tôi vẫn luôn nhớ câu chuyện nổi tiếng về Fido, chú chó 14 năm tuổi từng là biểu tượng cho sự trung thành trong suốt những năm Thế chiến.

14 năm, sao nhân tâm vẫn còn dấu ngã?

Fido là một chú chó hoang trên đường phố Luco di Mugello, một thị trấn nhỏ thuộc đô thị Borgo San Lorenzo, nước Ý. Năm 1941, một công nhân nung lò gạch tên là Carlo Soriani đã tìm thấy chú chó nhỏ bị thương nặng, nằm kẹt dưới con mương bên vệ đường.

Trước cảnh tượng đáng thương đó, Soriani đã mang chú chó về nhà nuôi, đặt tên là Fido. Trong tiếng Ý, Fido có nghĩa là lòng tin. Ngày qua ngày, Soriani cùng vợ mình kiên trì chăm sóc Fido từ lúc đau yếu cho tới khi khỏe lại. Khi đã trở thành thành viên trong gia đình, mỗi ngày, Fido đều đi theo Soriani đến trạm xe buýt ở quảng trường trung tâm thị trấn khi anh đi làm.

Đến chiều, chú chó lại ra đó và đón chủ nhân trở về từ nhà máy. Vào một ngày định mệnh năm 1943, biến cố không ai ngờ xảy đến: biệt đội không lực hoàng gia Anh thực hiện một cuộc đánh bom đột kích trên không nhắm vào Borgo San Lorenzo và Soriani là một trong những nạn nhân xấu số của cuộc tấn công. Ngày hôm đó, Fido vẫn đến trạm xe buýt, nhưng niềm vui chào đón chủ trở về đã không còn nữa.

Sau một buổi chiều đợi chờ đến tận đêm tối, Fido lủi thủi quay về nhà. Thế nhưng, hôm sau chú chó vẫn quay lại trạm xe buýt để chờ chuyến xe buổi tối như thường ngày, rồi lại thất vọng khi nhìn vị khách cuối cùng bước xuống không phải là Soriani. Những ngày tiếp theo, Fido tiếp tục quay lại để chờ chủ nhân trở về.

Một tháng, một năm, rồi một thập kỷ, chú chó vẫn ở đó, đợi chuyến xe buýt đêm mỗi ngày trong suốt 14 năm trời. Một ngày buồn tháng Sáu năm 1958, Fido qua đời bên đường, nơi những chuyến xe buýt qua lại. Chú chó được chôn cất ngay bên ngoài nghĩa trang nơi người chủ Soriani yên nghỉ. Để tưởng nhớ chú chó với lòng trung thành đáng quý, người dân Borgo San Lorenzo đã cho dựng tượng đài Fido ở giữa quảng trường thị trấn.

nuoi-thu-cung-hinh-anh-01

Cách đây vài ngày, tôi tình cờ đọc được chia sẻ của một người bạn làm ở tổ chức cứu trợ chó mèo. Bằng những lời tâm sự nhẹ nhàng nhưng chất chứa suy tư, bạn viết.

“Chào mọi người.

Hôm nay có lẽ là ngày nhiều cảm xúc đối với mình, khi mà vừa sáng sớm, mình nhận được cuộc gọi từ chị hàng xóm ở trạm cũ. Nội dung đại khái là chị không thể tiếp tục nuôi Lu và muốn trạm nhận Lu về thay chị chăm sóc.

Sau cuộc gọi đó, mình đã trăn trở rất nhiều. Lu là một chú chó đáng yêu, xinh đẹp, ở cùng một người chủ suốt 14 năm trời. Vốn tính hay nhõng nhẽo nên khi cho ăn, phải đút Lu từng muỗng, đi vệ sinh thì lúc nào Lu cũng nhịn từ cả ngày đến chừng nào cô chủ về nhà và dẫn ra ngoài mới chịu đi. Cũng vì thói quen đó mà Lu từng bị sỏi thận, chị chủ cũng phải chật vật hàng tháng trời để lo chữa trị cho Lu. Cứ ngỡ đó sẽ là chú chó hạnh phúc, luôn bên cạnh chủ cho đến suốt cuộc đời nó. Hình ảnh chị chủ dắt Lu đi tập thể dục, vẫy tay chào khi đi ngang trạm có lẽ là hình ảnh hạnh phúc nhất về Lu còn sót lại trong tâm trí của mình.

Thế nhưng, cái gì đến cũng đến. Thời gian nghiệt ngã là khi đến tuổi già, Lu vẫn phải được đút ăn từng muỗng, vẫn phải được dẫn đi vệ sinh vào mỗi buổi chiều tối, thêm chứng bệnh viêm tai chữa trị đã lâu nhưng vẫn chưa hết khiến đầu phải ngã sang một bên. Chăm sóc một người già yếu đã là điều không đơn giản, chăm sóc cho một chú chó già yếu càng là một chuyện phải lưu tâm. Vì thế, khi quyết định chuyển về quê sống, chị chủ đã quyết định không mang theo Lu và muốn gửi Lu lại cho trạm để thay mình chăm nom.

Mình thật sự cảm thay đau lòng thay cho Lu. Cứ ngỡ Lu sẽ là chú chó hạnh phúc nhất, nhưng giờ đây khi đã sống gần hết vòng đời, Lu lại trở thành một chú chó bất hạnh, buộc phải rời xa chủ của mình. Phải chăng nuôi dưỡng một chú chó từ lúc bé sơ sinh đến khi lớn lên, già yếu và mất đi là điều quá khó?

Câu hỏi này ám ảnh mình cả ngày hôm nay. Giờ mình chỉ có thể ngồi vừa đút Lu ăn vừa gạt Lu rằng cô chủ chỉ gửi Lu ở đây vài ngày thôi, rồi cô sẽ sớm đón Lu về, nha Lu…”

Đọc hết những dòng ấy, tôi nghĩ, sự nhẫn tâm của con người, chẳng cần phải nhìn tới chiến tranh hay đấu đá đố kị, mà đơn giản hiện diện như thế này. Như cái cách người chủ nhẹ nhàng buông bỏ con vật mình đã từng yêu thương, chăm sóc trong suốt 14 năm trời. Có phải sự bội bạc bao giờ cũng tàn nhẫn và xấu xa như thế? Con người có thể bỏ nhau, vì bản chất mối quan hệ giữa người với người luôn đầy rẫy vấn đề. Nhưng giữa vật nuôi và con người, chỉ có con người là phía phản bội duy nhất, bởi đó đã là bản năng.

ngu cung thu cung hinh anh 01

Trong tâm niệm, tôi luôn cho một người chủ ở bên cạnh chú chó, mèo của họ đến mười mấy năm đã là phúc phần của một đời. Tôi chưa có được hạnh phúc ấy, bởi hai chú chó mà tôi rất mực yêu thương đều đã bị bắt đi khi chúng tôi vừa chỉ mới bên nhau có vài năm. Khi mang chú chó thứ ba về, tôi luôn cố hết sức để nó có thể là một con chó hạnh phúc, để nó có thể đi bên cạnh tôi suốt cuộc đời và không bao giờ phải sợ rằng mình sẽ bị bỏ rơi.

Khi sống đến 14 tuổi, chắc chắn chú chó sẽ rất già, lông sẽ rụng gần hết, ăn uống khó khăn. Nhưng chỉ cần nó còn sống, còn ở bên cạnh, với tôi đã là đủ. Tình yêu thương nào cần những điều quá lớn lao?

Bài: Dao Ninh
Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua