Một trong những điều khiến du khách háo hức và thích thú trong mỗi chuyến đi là khám phá các món ăn “lạ” và “độc” (theo đúng nghĩa đen). Chúng “lạ” từ nguyên liệu, hương vị cho đến cách chế biến, “độc” vì khó tìm thấy ở đâu ngoài vùng đất khai sanh chúng. Cùng điểm qua 10 món ăn Việt Nam độc lạ nhé!
Món ăn Việt Nam độc lạ, bạn đã thử chưa?
Dế cơm chiên nước mắm
Là món ăn đặc sản của Đồng Nai, dế cơm chiên nước mắm được xem là một món ngon dân dã nhờ mang hương vị đặc trưng của miền quê. Nguyên liệu làm nên món này là những chú dế cơm béo núc, thịt heo băm nhỏ, đậu phộng và các loại gia vị khác. Người ta khéo léo rút ruột dế cơm ra, sau đó bọc thịt băm vào từng hột đậu phộng rồi nhét vào bụng dế. Lăn dế qua một lớp lòng đỏ trứng, một lớp bột mì và chiên giòn. Thành phẩm là những chú dế vàng rụm, thơm ngon. Món này ăn kèm rau răm hoặc bất kỳ loại rau sống nào. Đây cũng là mồi nhắm khá “bắt” bia đấy!
Cá gỏi kiến vàng
Khi lên Tây Nguyên, đặc biệt là Kon Tum, nhất định bạn phải thử món ăn Việt Nam độc lạ này. Đây là sự kết hợp của cá suối và kiến vàng. Món ăn đòi hỏi sự kỳ công trong khâu chế biến: cá giã nhuyễn sao cho không còn nước; tách riêng phần kiến và trứng, giã nhuyễn rồi phơi khô. Cuối cùng, trộn tất cả với các loại gia vị. Khi ăn, bạn múc từng thìa gỏi rồi cuộn trong lá sung. Vị ngọt béo của thịt cá và trứng kiến kết hợp với vị thanh của lá sung để lại hương vị khó quên.
Sá sùng nướng
Vẻ ngoài đáng sợ của những chú sá sùng thon dài sẽ khiến nhiều người khiếp sợ. Thế nhưng sau khi chế biến thành món ăn, chúng lại ngon không thể cưỡng lại. Nếu đi du lịch tới các tỉnh ở khu vực vịnh Bắc Bộ, đặc biệt là Quảng Ninh, bạn sẽ thấy đâu đâu cũng có món ăn làm từ sá sùng. Món này ngon nhất khi nướng giòn rồi chấm với muối ớt và nước cốt chanh. Miếng sá sùng giòn, mềm nhưng khá dai và có mùi vị thơm ngon đặc biệt, xứng đáng là món mồi nhậu “hao bia”.
Thắng cố
Là món ăn truyền thống của người H’Mông, thắng cố xuất hiện nhiều ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Lào Cai, Hà Giang… Món này chế biến không quá cầu kỳ, nhưng phải có bí quyết riêng mới tạo nên được hương vị đặc trưng. Trước đây, nguyên liệu chính của món thắng cố là thịt ngựa. Sau này, người ta dùng cả thịt trâu, bò và heo để chế biến. Mỗi lần nấu, thịt và nội tạng được thái thành từng miếng rồi bỏ vào chiếc chảo lớn, xào lăn. Khi thịt săn lại, tiếp tục đổ nước vào chảo và ninh sôi sùng sục trong vài giờ.
Thắng cố thường được làm vào dịp lễ, Tết hay họp mặt gia đình. Mọi người quây quần xung quanh chảo thắng cố, ăn đến đâu múc ra bát đến đó, tận hưởng không khí ấm áp của tình thân.
Cá nhảy
Không giống sushi của Nhật Bản (ăn cá sống đã mổ thịt), món cá nhảy đặc sản của người Thái ở Sơn La là dùng những con cá chép con còn nhảy tanh tách. Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận được chúng đang quẫy đạp trong miệng.
Cá con kích thước cỡ ngón tay cái được thả vào chậu nước muối để cá tự tiết hết chất bẩn. Sau đó, chúng được rửa lại lần nữa mới đem đi chế biến. Người ta dùng dao nhỏ khía vào bụng cá để nặn ruột ra ngoài rồi cho vào hỗn hợp gia vị ăn kèm gồm bắp chuối, rau thơm, tỏi, ớt…
Pa pỉnh tộp
Có một món ăn nghe tên thấy khá xa lạ, nhưng nguyên liệu và cách chế biến vô cùng thân thuộc với con người Việt Nam, đó là pa pỉnh tộp. Đây là món cá nướng gập – một đặc sản của người Thái nên tên gọi cũng được đặt theo ngôn ngữ người địa phương.
Cá chép/cá trôi/cá trắm, gừng, sả, rau thơm, tỏi ớt…, qua đôi bàn tay khéo léo của người đầu bếp đã tạo nên một món ăn mang đậm hương vị núi rừng. Thịt cá chắc, thơm ngon quyện với vị cay nồng của các loại rau thơm, đảm bảo đủ sức “đốn gục” bất cứ du khách nào.
Cháo ấu tẩu
Lên Hà Giang, bạn sẽ có cơ hội nếm thử món cháo ấu tẩu – một món ăn Việt Nam độc lạ được nhiều người yêu thích. Món này được nấu từ củ ấu tẩu – rễ củ của cây ô đầu. Ấu tẩu vốn là một loại củ có độc tính cao, nhưng khi được chế biến đúng cách sẽ tạo ra món ăn không chỉ ngon miệng mà còn rất tốt cho sức khỏe. Vào những đêm tiết trời Tây Bắc lạnh giá, ngồi thưởng thức từng thìa cháo với vị đắng của ấu tẩu, vị ngọt của nước ninh xương và vị béo thơm của trứng, là đúng điệu nhất.
Nậm pịa
Cũng là món ăn đặc trưng của dân tộc Thái, nậm pịa sử dụng nguyên liệu là nội tạng động vật. Món ăn Việt Nam độc lạ này khiến nhiều người sợ hãi. Chính vì hình thức và mùi khá kinh dị nên món này kén người ăn, và không phải ai cũng dám ăn. Để có được nồi nậm pịa ngon, người ta phải ninh nhừ chất dịch lấy từ ruột non các loài động vật ăn cỏ (trâu, bò, ngựa, dê) với nội tạng, thịt, sụn, tiết của chúng. Món ăn sau khi chín có màu nâu đen, nước sền sệt, vị đắng và mùi hơi nồng, ăn kèm các loại rau. Nhiều người mới nếm thử thường “dị ứng” với mùi vị đặc trưng. Nhưng đến miếng thứ hai, thứ ba, chắc chắn sẽ cảm nhận được sức quyến rũ của các nguyên liệu từ núi rừng.
Sỏi mầm
Đừng vội liên tưởng đến món “mầm đá” trong truyện Trạng Quỳnh khi bạn nghe thấy cái tên này. Bởi lẽ, hai món chẳng liên quan gì đến nhau. Thực chất, sỏi mầm là món ăn đặc sản của tỉnh Hậu Giang, được chế biến từ thịt heo rừng theo cách đặc biệt.
Để làm nên những đĩa sỏi mầm thơm ngon, đầu bếp dùng những viên sỏi được nung thật nóng để nướng chín thịt heo rừng. Nhờ đó, miếng thịt nướng có hương vị rất đặc biệt. Dùng kèm các loại rau thơm và chấm nước mắm chua ngọt, đây quả là món ngon hiếm thấy.
Nộm hoa ban
Hoa ban cũng là món ăn Việt Nam độc lạ. Đây là một loài hoa đặc trưng của núi rừng Tây Bắc. Tùy theo từng nơi, từng người có khẩu vị khác nhau, nhưng gia vị chính để làm nên món nộm hoa ban là gừng, giềng, rau mùi, tỏi non và mắc khén. Nhiều nơi có thêm một chút ớt để tạo thêm vị cay cho món ăn.
Nộm hoa ban là món ăn có sự hòa quyện của nhiều vị chua, cay, đắng, ngọt và bùi. Nó khiến cho người ăn cảm thấy kích thích vị giác. Khi thưởng thức, đầu tiên người ăn có thể cảm nhận được hương vị rất thơm và bùi của hoa ban. Đặc biệt là mùi thơm của mắc khén, một loại gia vị đặc trưng trong các món ăn thường ngày của người dân tộc Thái.
Bài: Thu Hà
Tiếp Thị Gia Đình