Yêu trai Tây: Cẩn thận những gã lừa đảo có hạng

Yêu trai Tây qua mạng xã hội đang là “mốt” của phụ nữ Việt hiện đại. Song, không phải chuyện tình nào cũng vô tư và đơm hoa kết trái

Nếu một ngày đẹp trời, bạn nhận được tin nhắn, e-mail làm quen mùi mẫn của một chàng trai từ trời Tây, hãy cẩn thận, trước một bẫy tình – tiền đang sắp sẵn.

Không ít người đã sập bẫy tình – tiền khi yêu trai Tây bởi chiêu bài cũ rích: tán tỉnh, hứa hẹn yêu đương, cưới hỏi, tặng quà, tặng tiền…Chị em cứ tưởng tìm được “Mr. Right” trong đời, hóa ra đó chỉ là một gã lừa đảo có hạng!

CHUNG MỘT KỊCH BẢN 

Tháng 6–2015, Thảo Nhi (TP. HCM) quen một người bạn có nick Sunny Lee Wong trên Facebook. Chị kể: “Anh ấy tự giới thiệu mình là kỹ sư xây dựng, lại là bạn chung với người chị mà em quen nên em đã đồng ý kết bạn và trò chuyện với anh ấy để tăng khả năng giao tiếp tiếng Anh”.

Sau thời gian tìm hiểu, anh ngỏ lời muốn tiến xa hơn. Cuộc tình đơm hoa tưởng như sắp đến ngày kết trái thì một ngày nọ, Nhi nhận được cuộc điện thoại người trong mộng gọi đến từ Anh quốc hỏi mượn một số tiền lớn vì công trình anh đang làm phát sinh và hứa cuối tháng 12–2015, công ty thanh toán sẽ hoàn trả lại tiền. Nhi đã đồng ý giúp đỡ và tổng số tiền Nhi chuyển cho anh ta lên tới hàng chục nghìn đô-la. Song, cuối năm đó, chẳng có khoản tiền nào được thanh toán như lời hứa. Người đàn ông kia còn chặn điện thoại, xóa Facebook để Nhi không có cách nào đòi tiền được.

Trong một tuần, chị Nguyễn Ngọc Vân (Hà Nội) nhận được bốn lời mời kết bạn của người nước ngoài. Với mong muốn cải thiện khả năng tiếng Anh của mình, chị Vân đã trò chuyện với họ. Sau vài ngày chat, ba đối tượng bỗng biến mất, chỉ còn một người. Anh kể hiện anh là chỉ huy lính Mỹ đang chiến đấu tại Afghanistan, sắp hoàn thành nhiệm vụ và chuẩn bị về nước. Anh được quân đội Mỹ thưởng nhiều tiền và nhờ chị giữ giúp một số đồ đạc, tiền bạc. Anh không có người thân và vì tin tưởng chị nên muốn chị nhận đồ giúp. Anh sẽ bay qua Việt Nam gặp chị để lấy lại.

Mọi chuyện chỉ vỡ lỡ khi chị đem chuyện kể với cô bạn thân. Cô ấy đã đưa cho chị xem bài báo về loại tội phạm lừa đảo xuyên quốc gia này. “Tối hôm đó, không kìm nén được, tôi đã hỏi thẳng anh ta. Anh nói nếu nghi ngờ như thế anh ta sẽ hủy việc chuyển quà. Những ngày sau, anh ta nói vẫn rất yêu và tin tưởng tôi. Tôi vẫn chat và giả bộ yêu đương để tìm cách lật tẩy anh. Nhưng tôi thật sự rất lo vì đã lỡ cung cấp thông tin tài khoản, nhà ở. Bên cạnh đó, nếu như bây giờ anh ta lấy ảnh của tôi, lập một cái nick giả, dùng toàn bộ thông tin của tôi đã gửi để đi lừa người tiếp theo thì thật nguy hiểm”, chị Vân lo lắng.

Qua đó, có thể thấy các đối tượng lừa đảo đều có điểm chung là làm quen qua Facebook, e-mail, bày tỏ khát khao tìm một người đồng hành trong cuộc đời. Sau đó, họ hẹn gửi tiền, quà cho bạn nhưng người nhận cần đóng phí để được nhận hàng. Song, thực tế chẳng có món tiền, hàng nào được đưa về cả.

THAM THÌ THÂM?

Chị Tú Anh (Hà Nội) cũng chia sẻ với phóng viên Tiếp Thị Gia Đình rằng, chị từng nhận được tin nhắn làm quen của một người tên Arnold Morgan Collins, ở Anh, qua Facebook. Chị nhắn lại không biết tiếng Anh nên không nói chuyện được. Vậy mà người đàn ông kia vẫn kỳ công nhắn lại bằng tiếng Việt và xin địa chỉ e-mail của chị. Từ đó, chị và anh ta trò chuyện qua lại. Anh khoe có công ty, là kỹ sư cầu đường và muốn đến Việt Nam làm bạn với chị. Khi Tú Anh thật thà nói: “Về Việt Nam không có nhà đâu”, anh ta nói sẽ gửi cho chị 250.000 đô-la để mua nhà, chỉ cần chị gửi thư cung cấp thông tin tài khoản với ngân hàng nơi anh gửi tiền mà thôi. Tú Anh thừa nhận, khi nghe anh ta nói vậy, chị cảm thấy sướng âm ỉ. Song, để được nhận số tiền đó, chị phải nộp thuế chuyển tiền là 10.000 đô-la.

yeu trai Tay: can than nhung ga lua dao co hang hinh anh 2

Cảm thấy có gì đó không ổn khi yêu anh trai Tây này, Tú Anh tìm hiểu trên mạng, chị nhận ra người đàn ông này đang bị rất nhiều chị em phản ánh lừa đảo tiền bạc. Chị quyết định gửi e-mail cho anh ta và cho biết chị rất nghèo, không có tiền để nộp khoản thuế trên. Nếu anh thật yêu thương và muốn sống với chị tại Việt Nam thì nộp cho ngân hàng khoản thuế đó hoặc anh chuyển tiền trước và khi nhận được, chị sẽ đóng lệ phí bắt buộc. “Bức thư đó không nhận được hồi âm. Chiêu lừa đảo bị lật tẩy, tôi không mất tiền nhưng đau vì bị lừa tình, bởi tôi rất quý mến anh ta”, Tú Anh nói.

GÓC KHUẤT CUỘC SỐNG HÔN NHÂN

Theo chuyên gia tâm lý Phạm Hiền, mỗi tháng chị nhận được khoảng 15 – 20 thư phản ánh của phụ nữ ở nhiều độ tuổi kể về việc chat với người nước ngoài và bị lừa đảo. Bức xúc trước thực trạng này, chị đã dành gần 6 tháng chủ động chat với khoảng hơn 40 người nước ngoài, để tìm hiểu tường tận tại sao nhiều phụ nữ Việt bị sập bẫy khi yêu trai Tây đến thế.

Chị đã tìm ra sự thật rằng kẻ lừa đảo hầu hết là người nước ngoài và cũng có cả người Việt. Họ câu kết với nhau để giăng bẫy phụ nữ. Có hai kiểu lừa đảo, một là họ sẽ giới thiệu là doanh nhân muốn đầu tư vào Việt Nam và mời chị em chung vốn. Kiểu lừa đảo thứ hai, đối tượng nói lời hay ý đẹp, khoe làm kỹ sư và muốn lấy vợ Việt Nam. Kiểu lừa này phổ biến hơn cả vì nó đánh vào tâm lý sính ngoại, thích được nghe những lời nói ngọt ngào, lãng mạn của chị em.

“Sau một thời gian nói lời hay ý đẹp, đối tượng bắt đầu hỏi tôi có đi xe ô-tô không? Nếu tôi nói tôi nghèo, làm công ăn lương thì họ sẽ biến mất. Nếu tôi nói tôi đi xe hơi xịn, là giám đốc thì họ sẽ bám đuổi đến cùng. Sau vài tuần, thậm chí 1–2 tháng, họ hứa hẹn gửi quà, tiền nhưng phải đóng phí trước nhưng tài khoản của anh ta lại không thể rút ra được. Sau khi bạn động viên, đồng cảm, họ sẽ tiếp tục chiêu thức nhờ bạn giúp đỡ gửi vào tài khoản số tiền mà họ đang cần, thường khoảng vài ngàn đô-la và hứa sẽ trả vào tài khoản của bạn sau. Nếu bạn từ chối, họ vẫn rất kiên trì mong bạn giúp đỡ, cố gắng vớt vát được bao nhiêu thì vớt.

Có người nói nạn nhân vẫn sập bẫy chiêu thức lừa đảo không mới này vì tham tiền. Điều đó đúng nhưng điểm mấu chốt chính là do đối tượng đánh trúng tâm lý tâm lý sính ngoại, thích được vuốt ve bởi lời nói ngọt ngào, thứ mà chị em đang thiếu hụt trong đời sống tình cảm vợ chồng. Hầu hết nạn nhân tôi gặp đều có đời sống không được như ý muốn, người thì chồng mất, người bất mãn vì chồng vô tâm, chứ không có ai hạnh phúc với chồng mà bị lừa đảo kiểu này cả.

Tôi đã gặp trường hợp nữ doanh nghiệp ngoài 50 tuổi, chồng mất, đã có cháu mà vẫn nhắm mắt chuyển khoản cho đối tượng lừa đảo lên tới 26.000 đô-la. Những lời vuốt ve ấy nguy hiểm đến mức chị bỏ ngoài tai lời khuyên can của tôi, ra sức khẳng định: “Anh ấy yêu em, muốn đến Việt Nam sinh sống”. Chỉ đến khi mất tiền, không nhận được quà như hứa hẹn, nạn nhân mới chịu thừa nhận mình đã bị lừa cả tình lẫn tiền. Bị lừa đảo số tiền khá lớn, nhưng số lượng nạn nhân mạnh dạn đến tố cáo tại cơ quan điều tra vẫn rất ít so với số lượng bị lừa trên thực tế vì sợ xấu hổ, sợ bị chồng phát hiện, bạn bè cười chê”.

Nhu cầu được vỗ về, yêu thương của chị em là chính đáng. Song thiết nghĩ khi mối quan hệ yêu đương có dấu hiệu lợi dụng tiền bạc, của cải thì phái nữ cần nhìn nhận lại một cách tỉnh táo để tránh mất mát tiền của và bị tổn thương không đáng.

Nhận diện “chàng Tây lừa đảo”

Facebook của đối tượng lừa đảo thường có ảnh đại diện rất đẹp trai. Ảnh vui chơi, hoạt động khác có nhưng rất hiếm, lác đác vài lượt like, comment chứ không có sự trò chuyện tương tác với mọi người.

Chat rất ngọt ngào và luôn khen ngợi bạn, thậm chí luôn nói thích bạn… và nếu bạn hỏi tại sao thì họ đưa ra lý do chung chung như vì bạn xinh đẹp, yêu tính cách của bạn. Đến phần đòi chuyển tiền, nếu bạn cương quyết không giúp đỡ, họ sẽ lập tức hủy Facebook để không lưu trữ bất kỳ tin nhắn nào với bạn.

Một đối tượng sẽ có nhiều nick Facebook khác nhau để làm quen, cho nên bạn hãy cảnh giác triệt để.

Nạn nhân có thể trình báo vụ việc lừa đảo tới công an địa phương, cấp huyện, cấp tỉnh hoặc Cục cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – C50 (47 Phạm Văn Đồng, Hà Nội).

Bài: THU HÀ

Mục Câu chuyện & Con người / Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua