Ai cũng bảo, chỉ có đám đàn ông con trai mới mê điện thoại. Nhầm rồi! “Bạn gái một thời tôi gọi là “cô nàng ăn ít nói nhiều”, “miệng tía lia như sáo” với vô số chuyện để nói giờ kiệm lời hẳn. Cô ấy không nói nữa mà chuyển sang cười. Không phải cười với tôi mà… với cái điện thoại. Mỗi lần hẹn hò, đi công viên hay đi ăn, cô ấy chỉ nói được dăm ba câu rồi… lại cười cười với cái điện thoại. Tệ hơn, lỡ điện thoại rung đúng lúc tôi hứng thú nhất, cô ấy thà để tôi bẽ bàng chứ không để điện thoại đổ vài hồi chuông. Tôi ghen, ghen với cái cục sắt ấy đến phát điên! Càng ghen, càng thấy mình dại, tặng gì không tặng, đi tặng điện thoại smartphone làm gì”, Duy Anh tỏ vẻ bức xúc.
KHÔNG GIAN HẸN HÒ THỜI SMARTPHONE
Yêu đương thời smartphone, những nỗi niềm ấm ức giống như chàng trai trong câu chuyện trên ngày càng nhiều. Điện thoại thông minh trở thành kỳ đà cản mũi trong mỗi cuộc hẹn hò. Cũng vì thế, phương châm hẹn hò của bạn trẻ thời buổi này đã thay đổi. Ngày trước, nhiều bạn trẻ thề thốt rằng: “Anh sẽ luôn nắm chặt tay em, bởi nếu anh buông ra, em sẽ chạy xa anh mãi mãi”. Giờ đây, câu nói ngôn tình đó được sửa lại cho thời sự hơn: “Anh sẽ luôn nắm chặt tay em bởi nếu buông ra… em sẽ lập tức lướt smartphone ngay”.
Đến thiên đường hẹn hò của các bạn trẻ ở khu cầu Ánh Sao, Q. 7, TP. HCM, bạn sẽ thấy rõ sự thay đổi này. Dưới mỗi tán cây tôi tối, hai bạn trẻ chụm đầu bên nhau tình tứ nhưng màn hình điện thoại vẫn lấp lóe sáng. Nàng tranh thủ cập nhật tấm ảnh selfie kịp chụp với người yêu lúc trời còn sáng rồi háo hức, hồi hộp chờ đếm like, đếm comment, trả lời bình luận. Chàng cầm điện thoại với nhiều ý đồ hơn: Facebook, đọc tin, chơi game… và đơn giản là vì người yêu ngồi cạnh đang ôm điện thoại, biết nói chuyện cùng ai.
Chúng ta thường đổ lỗi cho bạn trai mê điện thoại bỏ bê người yêu nhưng không nhận ra rằng mình còn xài điện thoại nhiều hơn cả anh, trong những tình huống đáng lẽ không nên có bóng dáng của điện thoại. Nghiên cứu ở Hàn Quốc cho thấy, bạn gái sử dụng điện thoại thông minh nhiều hơn nam giới 4 giờ mỗi ngày. Cũng theo nghiên cứu này, phụ nữ cảm thấy không an toàn khi họ không có điện thoại ở bên nhiều hơn nam giới và cũng không có sức đề kháng mạnh như nam giới trong việc chống lại những cám dỗ hấp dẫn của điện thoại. Nói cách khác, phụ nữ dễ bị nghiện smartphone hơn so với đàn ông.
VÌ SAO CHÀNG GHEN VỚI ĐIỆN THOẠI?
Nhiều bạn gái bảo: “Mang đi cho yên tâm thôi, không chơi, đâu có vấn đề gì?”. Không bạn ạ. Dù điện thoại chỉ là một cục sắt nằm im re trong túi quần, túi xách, nó vẫn có thể làm mất sự tập trung của bạn dành cho người yêu bên cạnh mình. Nghiên cứu trên tờ Journal of Social and Personal Relationships cho thấy, điện thoại di động làm gián đoạn mọi cuộc nói chuyện.
Sự tin tưởng, cảm thông và chất lượng mối quan hệ giảm hẳn khi có một chiếc điện thoại xen vào cuộc trò chuyện của bạn, kể cả khi bạn đã để chúng ở chế độ rung. “Khi để chiếc điện thoại bên mình, bạn đã gửi một thông điệp đến nửa kia rằng: “Tôi có thể dừng cuộc nói chuyện với anh bất cứ lúc nào”, chuyên gia tâm lý Andrew Przybylski, (Đại học Essex, Anh) cho biết.
Thêm vào đó, trong tình yêu, ai cũng trở nên ích kỷ và có tính sở hữu nhiều hơn. Ai cũng muốn mình phải là số một trong lòng người kia, phải thu hút được sự quan tâm, chú ý của nửa kia suốt 100% thời gian. Khi bị gạt ra một bên, “nạn nhân” của sự lơ là sẽ định hình trong đầu những suy nghĩ tiêu cực: “Cô ấy vô tâm”, “Người phụ nữ sống ảo này làm sao có thể trở thành mẹ hiền, vợ tốt” hay: “Yêu nhau còn thế, cưới nhau về, mình sẽ đứng ở vị trí nào trong lòng cô ấy đây?”… Nếu còn thực sự yêu bạn, anh ấy sẽ tỏ ra ghen tuông, giận dỗi để thu hút sự quan tâm, chú ý và đánh thức bạn. Tuy nhiên, nếu sự lơ là này lặp đi lặp lại, nửa ấy không còn muốn giận, muốn nói nữa, tình yêu của bạn đang ở mức nguy hiểm rồi đấy!
ĐỪNG ĐỂ ĐIỆN THOẠI THÀNH “KẺ THỨ BA”
Chia sẻ với Tiếp Thị Gia Đình trong một cuộc phỏng vấn, thạc sỹ Nguyễn Thị Tâm, giám đốc Trung tâm Đào tạo và Ứng dụng khoa học Tâm lý Hồn Việt cho biết, giai đoạn hẹn hò chính là thời gian quý giá để hai người tìm hiểu, thăm dò về nhau xem có tương đồng quan điểm sống, có thể tiếp tục đi đến mối quan hệ xa hơn. Để hiểu về nhau, cả hai phải giao tiếp trực tiếp thông qua các câu chuyện với đủ chủ đề khác nhau, từ gia đình, công việc, bạn bè đến quan điểm sống.
Bạn có thể thấy được phần nào tính cách của một người qua cách anh ta nói chuyện. Yêu đương thời smartphone khiến bạn sống ảo với điện thoại quá nhiều làm mất khoảng thời gian quý giá để hiểu người kia và điều đó có thể đưa đến những quyết định thiếu chính xác cho hạnh phúc của chính bạn. Nghiên cứu trên các cặp vợ chồng tại Anh gần đây thấy rằng, thiếu sự giao tiếp mặt đối mặt làm tăng nguy cơ đổ vỡ. Những người trong cuộc mô tả lý do ly hôn của mình thường vì có cảm giác bị bỏ rơi hoặc cảm thấy không thể chia sẻ cảm xúc với người kia. Tình yêu cũng vậy! Trong một cuộc giao tiếp khi hẹn hò, tình cảm chiếm 70%, 30% là nội dung.
Nếu nửa kia không cảm nhận được tình cảm trong mỗi câu chuyện giữa hai người thì dù bạn có nói yêu anh trăm lần cũng thành vô nghĩa. Không bao giờ quá muộn để bạn gầy dựng lại sự lãng mạn, yêu thương dành cho anh ấy. Vậy nên, ngay từ buổi hẹn sau, bạn hãy để điện thoại ở nhà hoặc ít nhất tắt điện thoại mỗi khi hẹn hò với chàng nhé. Cứ thử mà xem, bạn sẽ thu được những giá trị tuyệt vời sau mỗi buổi hẹn hò.
Mục Tình yêu & Hôn nhân / Tiếp Thị Gia Đình