Ở thời đại mà chỉ cần nhấc điện thoại lên là bạn có thể trò chuyện cùng người ấy của mình, cho dù họ có ở cách xa bạn đến nửa vòng trái đất đi chăng nữa, thật khó khi hình dung ra hành trình tình yêu gian nan mà một thanh niên phải trải qua để đến được với người yêu của mình và càng khó hơn khi tin rằng đây là một câu chuyện có thật.
Charlotte Von Schedvin là một cô gái trẻ tóc vàng mắt xanh thuộc tầng lớp quý tộc Thụy Điển trong khi đó PK Mahanandia là một sinh viên nghèo thuộc miền Đông Ấn Độ, bị xem rẻ bị coi thường. Anh thường xuyên phải ngủ ở những trạm xe buýt và những buồng điện thoại công cộng. Tuy nhiên, như một định mệnh, họ đã gặp nhau vào cuối năm 1975 ở Delhi, lúc đó Von Schedvin đã nhờ Mahanandia vẽ chân dung. Cuộc gặp gỡ như “duyên tiền định” này đã khiến Mahanandia thực hiện cuộc hành trình dài 3.600 km trên xe đạp, vượt qua 8 quốc gia, mất hơn 4 tháng để tìm được người yêu.
Anh chàng họa sĩ tài năng Mahanandia đã bán mọi thứ anh có để mua một chiếc xe đạp và dành dụm 80 USD, bắt đầu cuộc hành trình tình yêu của mình.
Ông Mahanandia giải thích: “Ngày đó chỉ có hoàng tử mới đủ khả năng đi máy bay đến Thụy Điển”. Dọc đường, Mahanandia đã ngủ trong những túp lều của người du mục, những nhà nghỉ rẻ tiền hay dưới trời sao bên bờ biển Caspi. Nhờ những cánh thư, đôi bạn trẻ đã nhen nhóm ngọn lửa tình yêu ngày một mạnh mẽ hơn bất chấp khoảng cách về địa lý và địa vị xã hội.
Mặc dù có ngày phải đạp xe đến 70 km, họa sĩ thú nhận ông đã quá giang xe bất cứ chỗ nào có thể, thậm chí ông còn được tặng một vé xe lửa từ Istanbul đến Vienna.
Mahanandia đã đến Boras ngày 28−5−1977, 4 tháng sau khi khởi hành. Và điều thú vị là ông đã đến nơi với số tiền gấp 10 lần số tiền ban đầu nhờ vào tài năng họa sĩ của mình.
Một số người bạn của hai ông bà cho biết, “tuần trăng mật” của họ dường như chưa bao giờ kết thúc mặc dù họ đã kết hôn được 40 năm và có với nhau hai người con đã trưởng thành tại Thụy Điển.
Hiện tại bà Von Schedvin là một giáo viên dạy nhạc còn ông Mahanandia là một giáo viên nghệ thuật. Cả hai đã cống hiến cuộc đời mình cho việc thúc đẩy nghệ thuật bản địa và cấp học bổng văn hóa cho người Ấn Dalit.
Hai năm trước, Mahanandia đã được trao bằng tiến sĩ danh dự và năm 2005, ông đã được đề cử giải Nobel vì hòa bình. Ông nói: “Tình yêu đã cho tôi sức mạnh để tha thứ cho những người từng ném đá tôi. Họ cần được giáo dục. Tôi vui vì câu chuyện của chúng tôi mang lại hy vọng cho mọi người.”
Câu chuyện tình lãng mạn của ông Mahanandia và bà Von Schedvin đã được chia sẻ trên Facebook và lan nhanh với tốc độ chóng mặt. Đây là một minh chứng cho thấy tình yêu đích thực luôn là khao khát của nhiều người.
Bài: Tuyết Trần
Tiếp Thị Gia Đình