Trong thời cách mạng công nghiệp 1.0 cách đây vài thế kỷ; công nhân đã kéo nhau đi đập máy móc vì họ nghĩ máy móc khiến họ mất việc. Tuy nhiên, họ nhanh chóng nhận ra rằng việc này không giúp họ lấy lại công việc đã mất bởi vì trong sản xuất; hiệu quả công việc quyết định tất cả. Tình thế đó khiến họ trải qua quá trình tái cải tạo bản thân, học những kỹ năng mới và tập trung vào các công đoạn mà máy móc không thay được con người. Đây là một bước tiến hóa của lực lượng lao động để phù hợp hơn với biến chuyển của thời cuộc.
Tôi là một người Việt làm việc cho một công ty đa quốc gia có trụ sở vùng tại Singapore. Do nhu cầu công việc, tôi phải di chuyển nhiều giữa các nước Đông Nam Á. Một trong những điều tôi nhận thấy ở sân bay Changi là xuất nhập cảnh rất dễ dàng; trung bình chỉ tốn chừng 5 phút cho một lần xuất nhập cảnh; nhờ các làn nhập cảnh tự động rất tiện lợi, so với sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất – trung bình mất hơn 25 phút (vào giờ cao điểm có thể lâu hơn).
Hệ thống xuất nhập cảnh tự động hoạt động rất đơn giản: Gồm một dãy vài chục máy nhập cảnh tự động; có vài nhân viên an ninh cửa khẩu đứng giám sát để hỗ trợ hành khách. Mỗi máy lại gồm 2 cửa cách nhau chừng 1m.
Ở cửa đầu tiên, hành khách tự quét hộ chiếu vào cảm biến của máy. Máy sẽ tự nhận thông tin trên hộ chiếu; lưu rồi so sánh với thông tin lưu trữ. Công đoạn này mất chừng 2–3 phút.
Qua cửa này, khách tiến đến cửa thứ hai; làm theo hướng dẫn trên màn hình và tự lưu dấu vân tay trên một cảm biến. Sau chừng hơn 1 phút nếu ổn cửa sẽ tự mở để khách tự vào, vậy là xong xuôi và khách có thể tiến thẳng đến khu vực lấy hành lý.
Trong trường hợp có trục trặc (mà hiếm khi xảy ra), sẽ có một anh cảnh sát cửa khẩu tiến lại hướng dẫn khách thao tác; hoặc nếu máy không chấp nhận sẽ chuyển khách về vài quầy có công an cửa khẩu ngồi, rất thuận tiện.
Hiện tại, ngoài Singapore, còn có một số nước khác áp dụng quy trình nhập cảnh tự động này; mà tiêu biểu là Malaysia và Hàn Quốc.
Những lợi ích mà việc nhập cảnh nhanh mang lại gồm có:
1. Tiết kiệm thời gian; gia tăng sự tiện lợi và hài lòng cho người nhập cảnh.
2. Nếu chỉ giả sử mỗi du khách tiết kiệm được 20 phút nhập cảnh; với lượng du khách 13 triệu người/năm như năm 2017 (doanh thu ngành du lịch là 515 nghìn tỉ đồng); thì lượng doanh thu tăng lên sẽ đạt 1.021 tỉ đồng; trong đó nhà nước thu được thuế (VAT và thuế TNDN) 124 tỉ đồng.
3. Ngoài du khách, một số lượng rất đông đảo công dân Việt Nam nhập cảnh/xuất cảnh cũng sẽ tiết kiệm được 20 phút mỗi người; và 20 phút thặng dư này, nhân với nhiều triệu người sẽ tạo ra thêm giá trị vật chất cho xã hội.
4. Sau cùng, việc áp dụng công nghệ và rút ngắn thời gian nhập cảnh xuống tối thiểu sẽ giúp nâng cấp năng lực làm việc của hệ thống công an cửa khẩu lên một nấc nữa.
SO SÁNH LỢI ÍCH VÀ CHI PHÍ
Thế nhưng, sự nâng cấp nào cũng kéo theo chi phí. Và người ta chỉ nâng cấp khi giá trị của việc đầu tư đó mang lại nhiều lợi ích hơn chi phí đầu tư. Chúng ta thử làm một bài toán đơn giản dựa trên các giả định sau:
1. Chi phí xây dựng hệ thống (gồm cả lắp đặt thiết bị) và chuyển đổi dữ liệu: 5 triệu USD, tương đương 115 tỉ đồng.
2. Chi phí duy trì hàng năm: 500.000 USD/năm (11,5 tỉ đồng).
3. Thời hạn dùng: 10 năm.
4. Doanh thu ngành du lịch mỗi năm tăng 7% (xấp xỉ mức tăng GDP); và doanh thu có được thêm cũng tăng lên tương ứng (thu gián tiếp qua thuế trên ngành du lịch).
5. Chi phí mỗi năm là cố định (do hợp đồng dài hạn và trọn gói).
6. Để dễ quy đổi ra thời giá hiện tại, giả sử chi phí cơ hội bằng 0.
Như vậy, ngoài lợi ích mang lại cho người dân và du khách; đầu tư hệ thống nhập cảnh tự động sẽ giúp nhà nước được lợi khoảng 1.486 tỉ đồng trong 10 năm. Cách mạng công nghệ 4.0 đang gõ cửa; việc tự động hóa và máy móc thay thế lao động con người là khó tránh khỏi.
Tuy nhiên, thay vì bị động và hứng chịu hậu quả của sự thay đổi này, việc chủ động có phương án và chiến lược dài hơi để nâng cấp năng lực hoạt động sẽ cho phép ngành xuất nhập cảnh tạo ra giá trị rất lớn. Đây chính là chỉ dấu của một chính phủ kiến tạo.
Tiếp Thị Gia Đình