Xuất hiện vòi rồng ở Vũng Tàu

Suốt nửa giờ vần vũ, vòi rồng ở Vũng Tàu tan biến. Rất may là vòi rồng đã không tiến vào đất liền gây thiệt hại cho người và của, ngoại trừ một con cá heo

 Vòi rồng ở Vũng Tàu nối từ mây xuống mặt biển lớn

Sáng 23 – 10, ở khu vực Bãi Sau, Vũng Tàu, ngoài biển mưa lất phất, gió to, sau đó một vệt đen (vòi rồng) cao hàng chục hay hàng trăm mét bất ngờ xuất hiện, nối thẳng từ trên mây xuống mặt biển tạo nên một phễu nước trắng xóa. Sau 30 phút, vòi rồng tan biến trên biển, không đi vào đất liền. Đặc biệt, ngay sau khi hiện tượng vòi rồng xuất hiện, mọi người còn phát hiện thêm một con cá heo bị chết trôi dạt vào bờ.

Một chị chứng kiến kể, vòi rồng di chuyển từ Bãi Sau khúc Bimexco đến đoạn Imperial thì biến mất. Có lúc nó dường như đi ngang một cái thúng đang kéo lưới ngoài khơi, nhưng thật may là không phải và cái thúng không bị sao cả.

Vòi rồng ở Vũng Tàu là hiện tượng lốc xoáy di chuyển bên trên biển cả. Vòi rồng chủ yếu là hơi nước. Nước bắn tung tóe ở chân cột nước là đám bụi nước hình thành khi vòi rồng đập vào mặt đại dương.

Vòi rồng nước với sức gió có thể đạt tới 200km/h. Thỉnh thoảng các vòi rồng hút cả đống cá mang chúng lên cao hàng dặm hay bẻ cong thuyền và cuốn người đứng xem ra biển.

Hồi tháng 5, vòi rồng cũng xuất hiện trên vùng biển Long Hải, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Hơn hai tháng trước, hiện tượng này cũng xuất hiện ở Hải Phòng và Kiên Giang.

Hiện tượng vòi rồng thường xuất hiện vào đầu và trong mùa mưa. Những vùng biển thường xuất hiện là Bà Rịa – Vũng Tàu, Rạch Giá – Kiên Giang – Thổ Chu. Tuy nhiên, vòi rồng ở Việt Nam thường không quá mạnh.

Vòi rồng rất nguy hiểm, đường đi của nó như một cơn bão nhưng phạm vi nhỏ hơn (khoảng 1/1.000). Khi hiện tượng này xuất hiện trên biển thường có sóng cao, gió giật, tàu bè có thể bị cuốn vào, đẩy ra xa.

Hiện tượng này xảy ra rất nhanh nên khó phòng tránh mà chỉ có thể cảnh báo. Trong trường hợp khẩn cấp, người trên tàu bè chỉ có thể nhảy xuống nước để thoát thân.

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua