Tiêm vắc-xin là một trong những biện pháp phòng bệnh bạch hầu
Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho biết khu vực xảy ra 6 người chết, 13 trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh bạch hầu thuộc hai thôn 8A và 8B, xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. Độ tuổi mắc bệnh từ 2 – 45 tuổi, trong đó có nhiều thanh niên khỏe mạnh tuổi từ 17 – 25 tuổi. Xã Phước Lộc có sáu thôn thì tỷ lệ tiêm phòng tại hai thôn 8A và 8B đều kém. Nguyên nhân do điều kiện người dân sống chủ yếu trên núi, chưa có điện, giao thông còn hạn chế nên lực lượng y tế khó tiếp cận người dân và nếu có vắc-xin cũng khó bảo quản.
Với 13 trường hợp nghi ngờ nhiễm bạch hầu, Viện Pasteur Nha Trang đã lấy mẫu 10 ca (ba ca không lấy được mẫu vì bệnh nhân và người nhà không hợp tác) để xét nghiệm.
Ngày 16-7, hai thôn 8A, 8B được cách ly để hạn chế người ra vào vùng dịch. Cơ quan chức năng cũng tiến hành phun hóa chất khử trùng để tiêu diệt mầm bệnh tại các hộ gia đình và khu vực môi trường xung quanh.
Cục Y tế dự phòng đã lập kế hoạch tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu cho toàn bộ người dân xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn. Cụ thể, trẻ dưới 12 tháng tuổi tiêm vắc-xin Quivaxem (phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và Hib); trẻ 1 – 6 tuổi tiêm vắc-xin DPT (phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván); người từ 7 tuổi trở lên tiêm vắc-xin Td (phòng uốn ván, bạch hầu).
Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên. Nếu chưa có miễn dịch, tiếp xúc với mầm bệnh hoặc đã tiêm nhưng không sinh miễn dịch đều dễ mắc bạch hầu. Đây là bệnh nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao.
Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo.
Triệu chứng của bệnh là sốt, ho, dấu hiệu của viêm họng, viêm mũi, viêm thanh quản, họng đỏ và nuốt đau. Trong 1 – 2 ngày màng giả xuất hiện. Màng giả ban đầu mỏng, màu trắng ngà, lan dần từ amidan đến vòm khẩu cái. Màng giả dính với niêm mạc bên dưới và phủ mặt vòm hầu họng. Khi nặng hơn, giả mạc lan xuống thanh khí quản gây khàn tiếng và khó thở.
Hạch bạch huyết vùng cổ có thể sưng to và phù nề vùng mô mềm của cổ, làm vùng cổ sưng to. Vi khuẩn từ các mảng trắng sẽ tiết ra nội độc tố. Một số trường hợp do các nội độc này gây suy hô hấp và tuần hoàn, gây liệt khẩu cái làm thay đổi giọng nói, ăn uống sặc và khó nuốt, lú lẫn, hôn mê và tử vong. Một số trường hợp có biến chứng viêm cơ tim hay viêm dây thần kinh ngoại biên.
Để phòng bệnh, bạn đưa trẻ đi tiêm vắc-xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu Quinvaxem hoặc DTP, Td đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Khi nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu, phải được cách ly và đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
Tiếp Thị Gia Đình