Xử lý tình trạng cá chết hàng loạt ở An Giang

Cá chết hàng loạt ở An Giang không chỉ gây thiệt hại tài sản đến khoảng 29 tỷ đồng mà còn là một thảm họa với môi trường nước nếu không được xử lý đúng cách

Những ngày qua, nhiều hộ gia đình nuôi cá lồng/bè/vèo trên đoạn sông Cái Vừng thuộc khu vực 3 xã Long Hòa, Phú Lâm và Phú Thạnh đang mất ăn mất ngủ vì tình trạng cá chết hàng loạt. Đây là đoạn sông ô nhiễm, kéo dài khoảng 10km.

Trước đó, vào hai ngày 4 và 5-2, Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang đã có báo cáo nhanh vụ việc cá nuôi lồng/bè/vèo trên sông Cái Vừng tại xã Long Hòa, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang chết đột ngột. Số liệu kiểm tra ban đầu cho thấy, lượng ô-xy trong nước (DO) đo được tại khu vực cá chết dao động 1,69-2,12 mg/l, rất thấp so ngưỡng ô-xy cần thiết cho nuôi trồng thủy sản (DO ≥ 4 mg/l). Bởi vậy, các cơ quan chức năng xác định cá chết hàng loạt là do thiếu ô-xy cục bộ. Số liệu mới nhất còn cho thấy, lượng khí NO2 cao hơn quy chuẩn từ 2,6 – 11,2 lần. Đây là môi trường thuận lợi cho tảo phát triển và dẫn đến thiếu ô-xy.

Cá chểt hàng loạt

Cá chết gây thiệt hại lớn về tài sản cho người dân (Ảnh: Minh họa)

Tính đến ngày 10-2, theo báo cáo của UBND huyện Phú Tân, sơ bộ đã có 51 hộ nuôi cá bị thiệt hại với 145 lồng bè, vèo chủ yếu là cá he, mè vinh, rô phi, điêu hồng, lăng nha… Ước tổng sản lượng thiệt hại là 655,57 tấn cá, trị giá trên 29 tỷ đồng.

Tình trạng cá chết hàng loạt không chỉ gây thiệt hại về tài sản mà còn đe dọa môi trường. Trước tình hình trên, Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang khuyến cáo, người nuôi di dời các lồng bè nuôi ra khỏi khu vực bị ảnh hưởng, tăng cường sục khí tạo ô-xy, quạt bè tạo dòng chảy hoặc cung cấp ô-xy viên tức thời cho các bè có hiện tượng thiếu ô-xy cục bộ. Những hộ nuôi cá lân cận cũng nên tiến hành sang thưa, giảm mật số cá để bảo vệ đàn cá của mình.

Với các loại cá đã chết, người nuôi cá cần trục vớt, xử lý, không được đổ cá chết ra sông làm ô nhiễm môi trường nước.

Xoa Nguyễn
Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua