Chiều 18−5, hơn 250 người và hàng chục phương tiện gồm tàu vớt rác, ca-nô, sà-lan, xe cẩu, xe ép rác… đã hoạt động liên tục vớt hết cá chết và xử lý ô nhiễm sông Thị Nghè. Đến nay, hiện tượng cá chết đã giảm nhưng mùi hôi tanh vẫn còn.
Số cá chết vớt được hơn 70 tấn, được phát hiện nhiều nhất ở đoạn khu vực Q. 3 và Phú Nhuận. Sau đó, toàn bộ số cá này đã được đem đi tiêu hủy nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường và tuyệt đối không sử dụng cá chết vào mục đích khác.
Tại khu vực vớt cá, mùi hôi thối của cá chết bốc lên nồng nặc. Để xứ lý ô nhiễm sông Thị Nghè, Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP. HCM đã nhập về và thả 30 tấn chế phẩm sinh học zeolite và bột oxygen xuống kênh để cải tạo nguồn nước. Những ngày tới, nếu tiếp tục có mưa lớn thì sẽ thả thêm khoảng 20−30 tấn chế phẩm sinh học zeolite. Theo lãnh đạo Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP. HCM, silic dioxide và nuzeo là hai chất có tác dụng làm cho nước trong, khử khí NH3 và tăng lượng ô-xy giúp cá khỏe.
Cũng do tình hình cá chết la liệt nên các tuyến du thuyền trên kênh Nhiêu Lộc cũng bị hoãn lại lịch trình cho đến khi tình hình được cải thiện tốt hơn. Theo đó, lịch trình tham quan của du khách bằng thuyền bị hoãn lại 3 ngày sau.
Trước đó, vào chiều 17−5, trên kênh Nhiêu Lộc xuất hiện hiện tượng cá chết hàng loạt, nổi lên mặt nước gây ô nhiễm môi trường. Nguyên nhân được xác định là do dòng nước bị ô nhiễm hữu cơ và khí độc.
UBND TP. HCM đã chỉ đạo UBND các Q. 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình tiếp tục kiểm tra đoạn kênh trên địa bàn. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, mỗi người dân TP. HCM hãy tự nâng cao ý thức đem lại vẻ xanh, sạch cho dòng kênh bằng những hành động như: Không vớt cá chết để sử dụng vào mục đích khác, không xả rác, nước thải trực tiếp xuống kênh.
Bài: K. Huyền
Tiếp Thị Gia Đình