Vừa qua, ở Nghi Lộc, Nghệ An, có hai người đang làm việc dưới trời nắng nóng thì ngất xỉu, sau đó không qua khỏi. Say nắng thường xảy ra khi lao động hoặc đi quá lâu ngoài trời nắng. Nhiều tia nắng chiếu thẳng vào vùng cổ gáy.
Dưới tác động liên tục của ánh nắng gay gắt, trung tâm điều hòa thân nhiệt bị chấn động làm rối loạn điều hòa thân nhiệt, dẫn đến tình trạng tăng thân nhiệt. Khi thân nhiệt tăng sẽ dẫn tới quá trình tăng đào thải mồ hôi làm cơ thể mất một lượng nước lớn. Hiện tượng này nếu không được bù đắp kịp thời sẽ dẫn tới hậu quả giảm khối lượng tuần hoàn gây trụy tim mạch, rối loạn chất điện giải nặng, có thể gây tử vong.
Một yếu tố nguy cơ nữa, khi nhiệt độ cơ thể tăng cao sẽ gây rối loạn hoạt động chức năng của rất nhiều cơ quan như tim mạch, hô hấp, thần kinh… Các biểu hiện của say nắng có thể tùy theo mức độ tăng thân nhiệt và thời gian, mà có những biểu hiện từ nhẹ (tăng nhịp tim, tăng nhịp thở, hồi hộp, mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, ù tai…), đến nặng, thậm chí rất nặng là co giật, ngất, hôn mê, trụy tim mạch, tử vong.
Vì vậy, khi thấy người bị say nắng, bạn nhanh chóng đưa nạn nhân vào chỗ mát, thoáng khí, nới rộng quần áo. Quạt mát cho người bị nạn. Nếu có 2-3 người cùng quạt mạnh càng tốt. Dùng khăn tẩm nước mát lạnh hoặc nước đá lau chườm khắp người, nhất là ở những vị trí có động mạch lớn đi gần ngoài da như nách, bẹn, cổ để làm hạ thân nhiệt. Phải liên tục thay khăn, nhúng lại vào nước mát lạnh. Hoặc cũng có thể phun nước lạnh vào người nạn nhân, nhưng chú ý tránh phun vào mũi, miệng.
Cho uống nhiều nước để bù nước và chất điện giải. Uống nước trà loãng hoặc nước lọc có pha đường muối (tỉ lệ 8g đường/1g muối), tốt nhất là uống nước oresol. Nếu nạn nhân không tỉnh, nhanh chóng chuyển tới cơ sở y tế gần nhất. Trong quá trình vận chuyển vẫn thường xuyên chườm mát cho nạn nhân.
Mục Sức khỏe/Tiếp Thị Gia Đình