Trước mối nguy hiểm từ biến thể Delta, nhiều người dân rỉ tai nhau về phương pháp xông hơi chữa Covid-19. Rất nhiều hội nhóm đã được thành lập và chia sẻ các công thức như xông hơi với sả, gừng; xông hơi với dầu gió; uống nước nấu từ gừng, chanh, sả hay khò nước muối nhiều lần trong ngày. Đứng trước vô vàn thông tin này, nhiều người dân trở nên hoang mang và lo sợ. Vậy thực hư của các phương pháp chữa bệnh này là gì?
Xông hơi chữa Covid-19 có làm nên hiệu quả?
Nhiều nghiên cứu đã cho thấy virus SARC-CoV-2 không sống bên ngoài tế bào. Khi đã nhiễm bệnh, virus sẽ chui vào tế bào niêm mạc đường hô hấp. Chúng sẽ nhờ tế bào của người bị nhiễm sản xuất ra nhiều virus mới. Từ đó, xâm nhiễm qua các tế bào lân cận thông qua các khoảng kẽ những tế bào.
Do đó, theo TS. BS. Phạm Lê Duy – Giảng viên Bộ môn Sinh lý bệnh và Miễn dịch tại Trường ĐH Y Dược TP. HCM chia sẻ xông hơi chữa Covid-19 là không chính xác. Bởi hình thức này chỉ làm ảnh hưởng ở bề mặt bên ngoài của niêm mạc và không gây ảnh hưởng vào bên trong tế bào. Chính vì vậy, việc súc họng bằng nước muối, xông hơi bằng sả, dầu gió và gừng; hoặc uống nước chanh sả gừng sẽ không thể nào làm sạch được virus gây bệnh Covid-19. Thay vào đó, các giải pháp này chỉ làm dịu triệu chứng hô hấp, dịu thần kinh, giảm đau nhức.
Xông hơi không hoàn toàn gây hại
Trên thực tế, xông hơi chỉ có tác dụng giảm các triệu chứng hô hấp. Cụ thể là khả năng giúp người bệnh đỡ nghẹt mũi, khô họng và làm loãng đàm. Bởi các hơi nước nóng sẽ bốc lên từ nồi xông và làm giãn mạch ngoại biên. Lượng máu trong cơ thể lúc này được tăng cường sẽ kích thích tuyến mồ hôi hoạt động. Ngoài ra, xông hơi còn có thể giảm nhanh các triệu chứng nghẹt mũi; đồng thời tạo cảm giác thư giãn thoải mái, giảm đau nhức cơ.
Trong khi đó, các tinh dầu nhìn chung cũng đều mang các hợp chất kháng khuẩn. Khi ta hít vào, các phân tử mùi hương trong tinh dầu sẽ đi trực tiếp từ dây thần kinh khứu giác lên não. Vì thế, chúng ta thường được biết liệu pháp mùi thơm có thể giúp người bệnh giảm các triệu chứng căng thẳng thần kinh, trầm cảm, mất ngủ; và đặc biệt là khả năng kích thích giúp phục hồi khứu giác trong trường hợp người bệnh mắc Covid-19 gây mất hoặc giảm khứu giác.
Xông hơi đúng cách
Nếu muốn xông hơi, trước tiên bạn cần làm sạch cơ thể. Tránh tắm sau khi vừa xông vì sẽ dễ gặp phải tình trạng máu huyết không kịp lưu thông do các lỗ chân lông đã bị bít lại do tiếp xúc với nước lạnh.
Nếu chỉ có triệu chứng khó chịu về đường hô hấp trên (sổ mũi, nghẹt mũi, giảm, mất mùi…), người bệnh chỉ cần xông vùng đầu mặt. Còn khi cảm thấy sợ lạnh, nhức đầu, nhức mỏi toàn thân thì hãy dùng biện pháp xông toàn thân.
Tuy nhiên, biện pháp xông cả người chỉ nên thực hiện từ 2 – 3 lần/tuần. Bởi việc xông hơi quá lâu sẽ làm đổ mồ hôi nhiều và dễ dẫn đến mất nước, chóng mặt. Cách xông vùng đầu mặt có thể thực hiện 1 – 2 lần/ngày nhưng không được quá 20 phút.
Những ai không nên xông
Những trường hợp sốt cao kèm các biểu hiện như sợ nóng không sợ lạnh, ra nhiều mô hôi, không khát nước.
Người có cơ thể suy nhược, vừa ốm dậy, thiếu máu.
Phụ nữ đang mang thai hoặc vừa mới sanh.
Người cao tuổi và trẻ em dưới 12 tuổi
Người bị cảm nắng có triệu chứng ra nhiều mồ hôi, hoa mắt chóng mặt, buồn nôn, mặt đỏ, chao đảo, mệt lả… không nên xông.
Trong quá trình xông nếu thấy khó thở, tức ngực, choáng váng, bủn rủn… bệnh nhân cần ngừng ngay.
Nếu người bệnh sốt cao, co giật do nhiễm khuẩn (như viêm họng, ho, chấn thương, nhiễm trùng…), hãy đến bệnh viện gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Lưu ý thêm
Chỉ những người có triệu chứng nghẹt mũi, sổ mũi, nhức đầu hay cảm lạnh mới nên xông hơi. Còn lại, các bệnh nhân F0 tuyệt đối không được tùy ý xông hơi chữa Covid-19 mà cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ. Đặc biệt, không được tự ý làm theo các chia sẻ trên mạng khi thông tin chưa được kiểm chứng.
Tiếp Thị Gia Đình