Bạn có biết, người dân miền Trung có thể tận dụng mọi bộ phận của cây mít để phục vụ cho cuộc sống của mình?
Quả mít non sẽ được dùng để làm món gỏi tuyệt ngon hay dùng để kho với cá, nấu canh vừa bùi bùi, thơm thơm lại ngòn ngọt.
Quả mít chín ăn múi, hạt đem phơi khô, dành để luộc, ăn bùi thơm và chắc bụng.
Lá mít sẽ được người dân miền Trung tận dụng để đun nấu còn gỗ mít với màu vàng sánh giống màu mỡ gà, chắc và mịn sẽ được sáng tạo thành vô số những vật dụng thiết yếu cho gia đình. Người dân dùng gỗ mít để dựng nhà, làm cửa, làm tượng và rất, rất nhiều dụng cụ trang trí nội thất khác trong gia đình.
Tất cả những cảm xúc truyền thống về một miền Trung nghèo khó nhưng đầy sáng tạo, tất cả những hoài niệm về gỗ mít lần đầu tiên sẽ được nghệ sỹ tài hoa Bùi Công Khánh tái hiệu trong buổi triển lãm Lạc chốn.
Các sản phẩm nghệ thuật trưng bày tại triển lãm Lạc chốn được làm từ chất liệu gỗ mít. Lần đầu tiên, bạn sẽ có dịp thưởng thức những bức chạm khắc đẹp đến kinh ngạc trên xà nhà, những cột gỗ độc đáo, cửa sổ và các chi tiết tĩnh vật khác mang đậm văn hóa của miền Trung Việt Nam.
Tác giả Bùi Công Khánh bật mí: “Lạc chốn” mô phỏng một ngôi nhà miền Trung Việt Nam, lấy những kỹ thuật kiến trúc phong kiến truyền thống của Huế làm phong cách chính. Căn nhà được bao bọc bởi bốn cây bon-sai thiết kế đầy nghệ thuật, đóng vai trò như những hộ vệ linh hồn cho cả công trình”.
Hãy đến với triển lãm Lạc chốn để bạn có dịp thưởng thức những câu chuyện văn hóa độc đáo của miền Trung Việt Nam và có không gian đầy lắng đọng để suy tưởng về bản thân, về xã hội. Triển lãm khai mạc lúc 18 giờ 30 ngày 23–6–2016 và kéo dài đến tận 23–8–2016, từ 10 giờ sáng đến 19 giờ. Triển lãm diễn ra tại The Factory Contemporary Art Centre (FCAC), 15 Nguyễn Ư Dĩ, Thảo Điền, Q. 2, TP. HCM. Vào cửa tự do.
Xoa Nguyễn
Tiếp Thị Gia Đình