Gần đây, một chị bạn đã chia sẻ với tôi rằng phải mất 30 năm chị mới có thể nói với mẹ kế rằng chị rất yêu bà. Điều đó có nghĩa mẹ kế của chị phải vật lộn suốt 30 năm mới được con riêng chấp nhận.
Có phải bạn cũng thừa nhận mối quan hệ cha/mẹ kế – con riêng không phải lúc nào cũng thuận lợi? Lý do vì cả hai hiếm khi tiếp xúc lâu dài và ít có cảm xúc chung. Song nếu bạn thật sự mong muốn mối quan hệ này tốt đẹp và có chiến lược xây dựng cụ thể, tình cảm hai bên sẽ tiến triển tích cực hơn.
Nhiều nghiên cứu tâm lý xác nhận rằng cha/mẹ kế thường kỳ vọng được bọn trẻ yêu thương và có vị trí ngang hàng như cha/mẹ ruột. Song con trẻ lại muốn cha/mẹ kế (thậm chí sau khi chung sống đã 5 năm) đừng đòi hỏi tình cảm quá nhiều và đừng thường xuyên trừng phạt chúng. Từ kết quả này, các nhà tâm lý đã đưa ra các nguyên tắc giúp bạn xây dựng mối quan hệ với con riêng tốt đẹp hơn.
1. Hãy cho mình thời gian
Bạn dành thời gian chăm sóc và yêu thương con trẻ là bước đầu tiên để xây dựng mối quan hệ với con riêng. Song bé có thể không trân trọng điều này ngay tức thì. Thực tế, bản thân trẻ cũng cảm thấy bối rối về mối quan hệ mới trong gia đình. Thậm chí trẻ cũng cảm thấy sốc, bực bội vì sự có mặt của bạn đã ít nhiều làm thay đổi cuộc sống thường ngày của chúng. Vì vậy, bạn nên dành cho chúng không gian và thời gian để xoa dịu cảm xúc tự thân. Một số nghiên cứu cho thấy trẻ em dưới năm tuổi sẽ gắn bó với cha/mẹ kế trong vòng 1–2 năm. Song với trẻ càng lớn tuổi, bạn sẽ phải mất nhiều năm hơn.
2. Cho trẻ được trung thành
Trẻ thường bị giằng xé cảm xúc giữa cha/mẹ ruột và cha/mẹ kế, nếu yêu thương bạn, chúng sẽ có cảm giác mình đang phản bội lại cha mẹ mình. Để chống lại cảm giác mình không trung thành, chúng sẽ không vâng lời và giữ trái tim khép kín với bạn. Để giúp con vượt qua cuộc đấu tranh này, bạn khuyến khích trẻ liên lạc với cha mẹ ruột. Không chỉ trích cha/mẹ ruột của con. Đặc biệt, đừng bao giờ muốn thay thế vị trí cha/mẹ ruột trong lòng chúng là cách giúp xây dựng mối quan hệ với con riêng hiệu quả.
3. Để trẻ làm chủ mối quan hệ với bạn
Nếu con riêng dành tình cảm cho bạn, bạn hãy yêu thương chúng thật lòng. Nếu trẻ vẫn còn khép kín, bạn hãy tôn trọng và đừng ép chúng.
Trong khi chờ con trẻ chấp nhận, bạn cần quan tâm đến chúng thường xuyên. Bạn cần biết con trẻ đang làm gì ở trường, trong hoạt động ngoại khóa rồi tạo điều kiện cho con thực hiện tốt những điều đó.
Đồng thời, khi có hoạt động nhóm trong gia đình, bạn rủ một người họ hàng cùng tham gia để giúp con giảm áp lực mặt đối mặt với bạn. Ngoài ra, bạn có thể chia sẻ sở thích chung giữa bạn và trẻ để tăng sự tin tưởng, kết nối của cả hai.
Có lẽ khó nhất là làm thế nào để dạy các giá trị và thiết lập nội quy gia đình. Lưu ý, bạn không nên sớm triển khai hình phạt với trẻ. Trong hai năm đầu chung sống, bạn chỉ tập trung vào việc xây dựng mối quan hệ. Sau khi thống nhất với nhau, vợ chồng bạn có thể thảo luận với trẻ về tiêu chuẩn ứng xử cho tất cả mọi người trong gia đình. Bạn hãy xem mình như một người giữ trẻ. Bạn có một số quyền vì cha/mẹ ruột của trẻ đã giao cho bạn chăm sóc chúng. Chồng/vợ của bạn (cha/mẹ ruột của bé) nên nói với trẻ về việc trẻ nên tôn trọng mẹ/cha kế để giúp bạn có ảnh hưởng trong nhà. Khi hoàn thành xuất sắc vai trò này, bạn sẽ lên đẳng cấp cao hơn như vai trò của cô/chú trong gia đình (vẫn chưa đủ thẩm quyền của cha/mẹ ruột song mối quan hệ sẽ dần thân thiện và cởi mở hơn).
4. Điều chỉnh kỳ vọng để xây dựng mối quan hệ với con riêng
Bạn không mong con trẻ ngay lập tức đánh giá cao mối quan tâm mình dành cho chúng. Điều này có vẻ bất công với bạn? Song, để cân bằng tâm lý, bạn có thể trông đợi sự cảm kích từ chồng/vợ mình. Hãy để đối phương biết bạn cần chồng/vợ thừa nhận nỗ lực của mình với con trẻ.
An An
Tiếp Thị Gia Đình