Những ngày tháng 12 này là những ngày bận rộn và đáng nhớ nhất trong suốt chặng đường đã qua của Vy Thảo khi gắn bó với chợ phiên nghệ thuật. Tôi cùng các cộng sự dồn hết tâm sức vào phiên chợ cuối năm và dự án nghệ thuật mới mang tên gọi West Town (Thị trấn phía Tây), lấy cảm hứng từ những phong cách cổ xưa châu Âu một thời cùng những giá trị xưa của người Hà Nội. Và cũng như mọi lần khác, sự kiện này không thể thiếu yếu tố nghệ thuật, một bản sắc riêng của chợ phiên.
Bắt đầu từ một đam mê
Tốt nghiệp trường đại học Mỹ thuật Việt Nam, tôi nhận thấy tầm quan trọng của nghệ thuật trong sự phát triển tư duy thẩm mỹ cũng như tư duy sáng tạo cho thế hệ trẻ. Ở Việt Nam, phụ huynh thường bắt con phải học giỏi toán, lý, hóa… chứ không mấy ai mong con mình dành thời gian tìm hiểu và thưởng thức nghệ thuật. Trên thực tế, giới trẻ chưa thực sự có những sân chơi lành mạnh, nơi tìm hiểu và giao lưu nghệ thuật một cách tự nhiên, gần gũi. Mong muốn đưa nghệ thuật đến gần với mọi người chứ không còn ở tầng lớp trí thức cao hay giới chuyên môn nghệ thuật, tôi cùng họa sĩ Trịnh Minh Tiến và thư họa gia Kiều Quốc Khánh sáng lập ra một mô hình chợ phiên kết hợp với nghệ thuật. Gọi là chợ phiên vì không gian này tạo được sự gần gũi cho người thưởng thức nghệ thuật, là kiểu mô hình giao lưu thường kỳ để mọi người cùng sưu tầm những sản phẩm hữu dụng, đồ handmade, đồ sáng tạo, ngắm tranh, thậm chí thực hành một môn nghệ thuật mới… và đặc biệt là không đặt nặng chuyện bán mua.
Tôi còn nhớ phiên chợ đầu tiên được tổ chức đã thu hút tới 5.000 người tham dự. Những phiên chợ tiếp theo với các chủ đề Bohemian, Hippie, Indie, Vintage… còn đông người tham dự hơn nữa. Vui nhưng cũng là thách thức không nhỏ cho những người tổ chức. Chúng tôi phải cẩn trọng ngay từ việc duyệt các đơn vị tham gia giao lưu tại sân chơi này. Các thông tin về người đại diện gian quầy, sản phẩm… đều được lựa chọn kỹ càng. Đó cũng là cách để đảm bảo một phiên chợ có văn hóa và chất cho mọi người.
Chân dung cô gái trẻ Vy Thảo
Đưa nghệ thuật vào chợ phiên
Ngay sau những phiên chợ đầu tiên, các “chợ nhái” với cách tổ chức và những mặt hàng tương tự như dự án của chúng tôi phát triển rất nhanh. Nhưng điều tôi luôn tự hào, chưa một chợ nào có thể bắt chước được, đó là yếu tố nghệ thuật trong mỗi phiên chợ. Có quá ít cơ hội để số đông tiếp cận được với hội họa, cùng nhiều loại hình nghệ thuật khác. Là người làm và quan tâm đến nghệ thuật, tôi tin rằng nghệ thuật có đầu tư sẽ tiếp cận được nhiều hơn với số đông.
Tùy theo từng chủ đề nhất định, tôi cùng các anh chị tham gia dự án đã mời được nhiều nhân vật nổi tiếng đến tham gia hội chợ. Khi nhận lời mời, nhiều nghệ sĩ chỉ cười, băn khoăn không biết chợ thì tồn tại được bao lâu. Có người đắn đo vì chợ là chốn xô bồ, không thích hợp với trình diễn nghệ thuật. Nhưng cũng có những nghệ sĩ sẵn sàng đem tranh đến chợ trưng bày, dành thời gian cả ngày giải thích mọi thắc mắc của những người đến chợ. Chính những nghệ sĩ này đã góp phần đưa nghệ thuật về gần hơn với cộng đồng thông qua các mô hình sân chơi, để giới trẻ có cơ hội học hỏi và tìm hiểu nghệ thuật trực tiếp, gần gũi nhất.
Chặng đường của dự án chợ phiên nghệ thuật còn rất dài, tôi mong muốn sẽ tạo dựng được một không gian văn hóa hấp dẫn để mọi người có cơ hội hiểu nhiều hơn về một cộng đồng nghệ thuật, yêu mến những giá trị xưa cũ nhưng vẫn hòa mình với đời sống đương đại và nghệ thuật.
THÔNG TIN THÊM
√ Vy Thảo là giám đốc dự án chợ phiên nghệ thuật với hai hoạt động chính là Vintage Art và West Town, với mong muốn đây là nơi nảy nở cho những ý tưởng sáng tạo, là nơi để các bạn trẻ chạm vào, tìm hiểu và thưởng thức nghệ thuật, định hình cho bản thân lối sống có văn hóa, tinh tế và sáng tạo.
√ Thông tin về các phiên chợ và địa điểm tổ chức được Vy Thảo cập nhật tại fanpage: www.facebook.com/VintageArt2014.
Bài: Lệ Thủy
Tiếp Thị Gia Đình