Vui quá đà có thể chết vì tai nạn giao thông

Chúng ta có nguy cơ chết vì tai nạn giao thông cao hơn nguy cơ chết vì ung thư rất nhiều. Hãy biết cách chủ động bảo vệ mình nhé!

Những nạn nhân trong vụ tai nạn giao thông thảm khốc ở ngã tư Hàng Xanh; sẽ còn lâu lắm mới có thể quên ám ảnh kinh hoàng này. Còn chúng ta, xôn xao bàn luận vài ngày; và sẽ sớm quên bởi một câu chuyện khác nổi lên trên mạng xã hội. Tuy nhiên, đây chính là bài học khắc cốt ghi tâm cho tất cả về vấn đề an toàn giao thông. Bạn sợ tai nạn giao thông nhưng bạn đã làm gì để chủ động tránh nó?

Tử thần mang hơi men

Năm 2017, sản lượng bia chạm mốc 4 tỷ lít, tăng 10,4% so với năm 2016. Bình quân mỗi người dân tiêu thụ 42 lít bia/năm. Chi phí tiêu thụ bia của Việt Nam khoảng 3,4 tỷ USD/năm; gần 3% số thu ngân sách của cả nước. Bình quân khoảng hơn 300USD người/năm. Chỉ số phát triển con người Việt Nam (HDI) đứng thứ 116/182 trên thế giới. Chỉ số sử dụng rượu bia của Việt Nam đang đứng ở vị trí 29 thế giới và thứ ba châu Á.

Việc uống bia rượu được xem như một đặc tính của xã hội Việt Nam. Tỷ lệ thuận với con số tiêu thụ rượu, bia là số các vụ tai nạn giao thông. Có khoảng 40% số vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia. Con số này đang có xu hướng gia tăng.

Theo bác sĩ Phạm Gia Anh, Bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức; rượu bia gây ảnh hưởng lớn đến khả năng điều khiển phương tiện. Điển hình là biểu hiện bốc đồng, điều khiển xe với tốc độ cao; không làm chủ được hành vi hoặc ức chế não bộ gây buồn ngủ. Giảm từ 10% đến 30% phản xạ khi gặp tình huống bất ngờ xảy ra; dễ dẫn đến tai nạn giao thông.

Bạn cũng cần nắm rõ số tiền phạt. Theo nghị định 46, người điều khiển ô-tô; hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở; sẽ bị phạt tiền từ 2-3 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 2 tháng, tạm giữ xe một tuần. Riêng chế tài cao nhất; hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; phạt tiền từ 16–18 triệu đồng; tước giấy phép lái xe từ 4–6 tháng.

Tuy nhiên, cái giá phải trả đắt nhất chính là tính mạng; và thương tật vĩnh viễn cho chính mình và người khác. Bạn hãy chủ động bớt vui một chút trong lúc nâng ly; để gìn giữ mạng sống và hạnh phúc gia đình mình và người khác.

Ta có thể làm gì để tránh tai nạn giao thông?

Xưa đến nay, hoạ thường đến từ miệng. Bệnh tật, tai họa đều do chúng ta không kiểm soát hành vi ăn uống, nói năng. Do vậy, phòng cháy hơn chữa cháy. Đừng để khi tai nạn giao thông xảy ra mới tặc lưỡi “giá như”…

Ngay bây giờ, hãy nghiêm túc nói với chồng và người thân hạn chế nhậu nhẹt. Nếu có thể thì bỏ luôn. Hoặc mời bạn về nhà uống nhẹ.
Chỉ uống say khi ở nhà. Từ chối uống quá 3 ly rượu mạnh khi đang ở ngoài. Chủ động không uống bia rượu khi phải lái xe, nhất là khi chở vợ con.

Chính bạn sẽ là người nhắc nhở khéo léo chồng; khi anh có dấu hiệu vui quá đà. Nếu biết chồng đi dự cuộc vui có thể sẽ uống; hãy nói anh đi xe ôm hoặc taxi. Hãy thẳng thắn từ chối khi bị ép uống. Không có ai đánh giá chúng ta hèn hay anh hùng qua mấy li bia. Ngay kể cả sếp ép uống cũng khéo léo từ chối là đang bị bệnh, không uống được. Đừng xấu hổ khi nói mình không uống được bia rượu.

Nếu chồng về nhà khi say xỉn quá đà; hãy nói chuyện nghiêm túc với anh ấy hoặc có biện pháp “chế tài”, “treo giường”. Nếu chồng vì chuyện bạn khuyên mà lớn giọng, hay bạo hành; TTGĐ khuyên bạn đừng nên phí hoài cuộc đời mình cho một kẻ nát rượu, hung hãn.

Riêng chị em khi sở hữu xe hơi và tự lái; một điều luôn nhớ là phải thủ sẵn đôi giày đế bằng trong xe. Tập thói quen khi lái xe hãy tháo giày cao gót; và đi giày đế bằng để làm chủ hai chân ga và phanh.

Đừng bao giờ uống bia rượu nếu còn phải lái xe. Nếu trót say, hãy nhờ người đưa về hoặc gọi taxi. Bản thân cũng đừng ỷ là phận gái mà ép đàn ông uống cạn ly. Ai cũng có sinh mạng và gia đình; đôi khi chỉ vì vài phút vui mà ta có thể là tác nhân của một tai nạn giao thông thảm khốc.

Bài: NGUYỄN HẬU

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua