Vui hay buồn khi bố mẹ bênh vực con rể?

Chàng rể là con của... cha mẹ chồng, nhưng sao cha mẹ bạn lại yêu thương, chiều chuộng, bênh vực anh ấy có khi còn nhiều hơn bạn? Bạn có bực bội vì sự thiên vị này?

Đang trò chuyện với mấy cô bạn gái, chị Thanh Hà bỗng nhận được điện thoại của mẹ ruột. Sau khi trò chuyện với mẹ xong, chị tỏ ra có chút bức xúc: “Vợ chồng trái ngược quan điểm có chút xíu mà mẹ mình đã vội vàng bênh con rể rồi”. Vậy là chủ đề này được khơi ra và gần như 2/3 các cô bạn chung hội đều rôm rả bật mí: “Hình như mẹ mình rất yêu quý chàng rể”. Cũng là người phối ngẫu của con mình, nhưng hầu hết các bà mẹ đều cưng rể hơn cưng… dâu, thậm chí cưng rể còn hơn con gái ruột.

KHI MỐI QUAN HỆ HÌNH THÀNH

20150826-ben-con-re-05
Mối quan hệ cha mẹ vợ và con rể hình thành ngay sau khi chàng trai kết hôn. Trong tiếng Anh, cha mẹ của người phối ngẫu được gọi là “mother/ father in law”, con rể được gọi là “son in law”. Đó không phải là cha mẹ cùng huyết thống mà là cha mẹ trên pháp luật, sau khi giấy kết hôn được ký kết, “law” nghĩa là pháp luật.

Tiếng Việt gọi là cha mẹ vợ tức là cha mẹ của vợ. Với các cách gọi ấy, dù đó không phải là mối quan hệ ruột thịt nhưng theo đạo lý, pháp lý, cả hai bên phải yêu thương và có trách nhiệm với nhau. Mối quan hệ con dâu và cha mẹ chồng cũng được hình thành tương tự như thế. Song thông thường mối quan hệ giữa gia đình vợ và chàng rể thường xuôi chèo mát mái hơn.

Các nhà nghiên cứu tâm lý cho rằng, dù xã hội mặc định như thế, nhưng mối quan hệ cá nhân nào cũng phải bắt đầu bằng sự tiếp xúc, liên quan đến các yếu tố hành vi, cảm xúc và nhận thức. Mỗi người phải cư xử theo cách tốt nhất mà mình có thể để hiểu biết lẫn nhau, từ đó phát triển tình cảm hay cảm giác thân mật (tình cảm), đồng thời phải có được thông tin cơ bản về người kia (nhận thức). Khi những điều đó gắn kết nhau, các cuộc gặp gỡ diễn ra thường xuyên để xây dựng niềm tin, hình thành sự thân mật một cách tích cực, mối quan hệ cha mẹ vợ và chàng rể cũng sẽ tốt theo.

VÌ SAO CHA MẸ VỢ YÊU THƯƠNG, BÊNH VỰC CON RỂ?

20150826-ben-con-re-03
Từ khi quen biết rồi kết hôn, con rể dần thích nghi và hòa nhập vào gia đình vợ. Trải qua nhiều lần tiếp xúc, thân mật, gia đình vợ sẽ dành tình yêu thương cho con rể.

Chị Nguyễn Hải (Lâm Đồng) chia sẻ: “Người Việt Nam thường có câu: Dâu là con, rể là khách. Trong tình yêu thương của cha mẹ dành cho con rể cũng luôn có sự tôn trọng như đối với khách. Chính sự tôn trọng trong chừng mực nào đó cũng là nền tảng khiến tình cảm của hai bên tốt đẹp và dễ dàng yêu thương nhau hơn”.

Sâu xa hơn, từ xưa trong xã hội Việt Nam, đàn ông vẫn là người làm chủ gia đình. “Con gái về nhà chồng sẽ cảm thấy chông chênh, rất khó làm chủ cuộc sống của mình. Bên gia đình chồng còn có mẹ chồng, chị em chồng, mà những vị này lại ít bênh dâu. Do đó, con gái mình sống có vui vẻ, được yêu thương hay không cũng là nhờ chồng. Vì vậy, yêu thương và tạo cảm giác ấm áp cho con rể cũng là cách để cậu ấy chăm sóc con gái của mình tốt hơn”, cô M. Quỳnh (50 tuổi, Tiền Giang) nói.

Thực tế, quan tâm tới con rể cũng là một cách để bảo vệ con gái hiệu quả nhất. Cô Mỹ Tâm (55 tuổi, TP. HCM) chia sẻ: “Nếu mình đàn áp, con rể nể mình sẽ không dám phản ứng. Song biết đâu khi về nhà, cậu ấy sẽ đàn áp con gái mình”.

Nhiều bậc cha mẹ thương con rể đến mức con gái ruột cũng nghi ngờ hình như cha mẹ không thương mình bằng anh ấy. Lý giải cho tâm lý này, cô Minh Hòa (Thanh Hóa) cho rằng: “Con do mình đẻ ra, mình không thương thì thương ai! Nhưng cứ có việc gì thì mình phải la con gái trước để con rể mát lòng. Sau đó, mình sẽ tìm cách gỡ rối cho chúng. Bố mẹ mà bênh con gái chằm chặp là thất sách. Về sau có việc gì, con rể chẳng bao giờ tìm mình xin lời khuyên cả. Chẳng ai lại đi tâm sự với người trái ngược quan điểm với mình. Cho nên gì thì gì trước tiên cũng phải đứng về phe con rể”.

Về phía các chàng rể, thông thường, trong mối quan hệ lâu dài, cho dù nếu không thật sự gắn bó, thân thiết thì các chàng rể là đàn ông nên cũng ít có tâm lý xét nét, đòi hỏi nhà vợ phải đối xử tốt với mình như thế nào. Quan hệ giữa cha mẹ vợ với chàng rể cũng không có sự đối kháng giữa phụ nữ và phụ nữ xoay quanh một người đàn ông, cho nên mối quan hệ với gia đình vợ cũng dễ dàng dĩ hòa vi quý.

VỢ CÓ NÊN BỰC BỘI?

20150826-ben-con-re-02

Chuyện gì anh ấy cũng được bênh chằm chặp và là số 1 trong lòng mẹ vợ

Bên cạnh nhiều phụ nữ cảm thấy hạnh phúc, không ít phụ nữ cũng cảm thấy phiền khi bố mẹ quá cưng rể. Lý do là vì được gia đình vợ cưng nên hở ra là đấng ông chồng lại mách mẹ vợ. Thật ra, đàn ông là phái mạnh, nhưng họ rất sợ phải một mình giải quyết các vấn đề liên quan đến tình cảm. Do đó họ cần đồng minh, cần một chỗ dựa để luôn có niềm tin vào lý lẽ của chính mình.

Như chị Ngọc Quyên, có ba đứa con nhỏ, từ khi lập gia đình và sinh con, chị phải nghỉ việc ở nhà để chăm sóc gia đình chu toàn. Từ đó, chị hiếm có cơ hội để ra ngoài gặp gỡ, giao lưu với ai. Thỉnh thoảng, chị đi ra ngoài gặp bạn bè, anh lại mách mẹ vợ. Mẹ liền gọi điện thoại nhắc chị Ngọc Quyên về suốt. Hỏi chị có lấy làm bực mình vì vừa bước chân ra ngoài là đồng minh của chồng đã lập tức gọi điện nhắc nhở không, chị bảo: “Ban đầu mình khó chịu lắm, nhưng về sau thì hiểu cho cả mẹ và chồng. Chồng không thích mình đi đâu không có ảnh nên khi mình đi ảnh cảm thấy không vui, mới kể lể với mẹ để tìm đồng minh giải tỏa thôi. Mẹ mình có tâm lý lo lắng, sợ con vui chơi sa đà”.

Terri Orbuch, giáo sư tâm lý tại Đại học tại Michigan cho biết, đàn ông yêu vợ luôn muốn gần gũi với gia đình vợ. Điều đó làm cho họ thấy gần gũi hơn với bạn đời. Cũng theo vị chuyên gia này, những cặp vợ chồng mà chàng rể gần gũi với gia đình vợ, nguy cơ ly hôn trong 16 năm tiếp theo thấp hơn 20% so với những cặp khác. Do đó đừng bực bội khi chồng được bênh vực, yêu thương, bạn nhé!

Nếu bạn là cha mẹ vợ, hãy mở lòng yêu thương chàng rể

20150826-ben-con-re-04
• Hãy nói với con rể rằng bạn rất vui khi cậu ấy có mặt trong gia đình và đối xử với cậu ấy thật chân thành.

• Dành thời gian giao tiếp với con rể bằng cách trò chuyện về chủ đề cậu ấy quan tâm, cùng nhau làm vườn hoặc làm chung một công việc nào đó. Cả hai bên sẽ gần gũi nhau hơn.

• Là cha mẹ, bạn không nên đưa ra các yêu cầu gắn bó mang tính bắt buộc. Ví dụ khi bạn yêu cầu con rể phải về nhà bạn ăn tối vào mỗi Chủ nhật hoặc đi nghỉ cùng nhau một lần mỗi năm, con rể sẽ cảm thấy bị áp đặt, bực bội. Thay vào đó, bạn có thể đưa ra lời mời, không mang tính bắt buộc.

• Không tự tiện đưa ra lời khuyên với con rể, đặc biệt là về những chuyện làm thế nào để con gái của bạn vui vẻ, để những đứa trẻ ngoan hơn, hoặc cách bảo dưỡng xe máy. Con rể của bạn đã trưởng thành và cậu ấy không cần bạn nhắc nhở mọi chuyện như một đứa trẻ. Chỉ tư vấn khi nào con rể ngỏ ý nhờ bạn cho lời khuyên.

• Con rể sẽ không thoải mái khi bạn đến nhà mà không báo trước cũng như khi nghe bạn liên tục hỏi thăm khi nào sẽ có cháu để bế.

• Khi con gái cãi nhau với chồng, thay vì bênh vực con gái hay chàng rể, bạn hãy đưa ra những gợi ý cho việc giải quyết tình trạng khó xử để mọi việc tốt đẹp hơn.

Mục Gia đình / Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua