Vụ cá chết ở Việt Nam: Nhà lập pháp Đài Loan yêu cầu điều tra Formosa

Ngày 16-6, các nghị sĩ Đài Loan đã hối thúc chính phủ nước này điều tra trách nhiệm liên đới của Formosa về vụ cá chết ở Việt Nam

Theo tin từ Đài Bắc, các nhà hoạt động bảo vệ môi trường ở Đài Loan cho rằng vụ cá chết ở Việt Nam rất có thể bắt nguồn từ nguyên nhân hàng tấn chất thải công nghiệp chưa qua xử lí được đổ trực tiếp ra biển từ chính nhà máy thép Formosa.

nha lap phap Dai Loan yeu cau dieu tra Formosa ve vu ca chet o Viet Nam hinh anh 1

Cá chết hàng loạt ở miền Trung Việt Nam. Ảnh: AFP

Nếu Formosa thật sự đứng đằng sau vụ cá chết ở Việt Nam, gây ra một làn sóng phẫn nộ trong lòng mỗi người dân Việt Nam suốt 2 tháng vừa qua, sẽ gây ra ảnh hưởng to lớn tới chính sách thúc đẩy đầu tư vào Đông Nam Á để giảm dần sự lệ thuộc về kinh tế của Đài Loan vào Trung Quốc của bà Thái Anh Văn, tân lãnh đạo Đài Loan.

“Sẽ không có dấu chấm hết cho những rắc rối vừa qua” , đó là lời khẳng định thẳng thắn từ nghị sĩ cấp cao của đảng cầm quyền Dân Tiến, ông Su Chih-feng, đối với chính sách Hướng Nam nếu chính quyền mới của bà Thái không kiểm soát và giải quyết cẩn thận những bức xúc đang lan rộng trong cộng đồng người dân Việt Nam.

Cá chết hàng loạt đã gây nên bao tổn thất nặng nề về mặt kinh tế cho người dân, đồng thời, làm dấy lên những làn sóng phẫn nộ, các cuộc biểu tình yêu cầu có một lời giải đáp và biện pháp xử lí thoả đáng liên quan đến vụ cá chết này.

Tập đoàn Formosa đã từng có nhiều vụ bê bối liên quan đến các vấn đề ô nhiễm môi trường toàn cầu từ Texas, Mỹ cho đến Sihanoukville, Campuchia. Formosa còn bị cáo buộc đã gây ô nhiễm tại Đài Loan, trong đó có vụ liên quan tới một tổ hợp nhà máy hoá dầu tại vùng Yunlin, phía Nam Đài Loan.

Chủ tịch Hội luật gia Môi trường, Chang Yu-yin, cho rằng giới chức Đài Loan nên vào cuộc và đảm bao rằng công ty phải tuân thủ “các tiêu chuẩn lao động, nhân quyền và môi trường quốc tế”.

Ông Peter Nguyen, một mục sư người Việt sinh sống tại Đài Loan, cho biết: “Chính quyền của bà Thái phải đảm bảo rằng Formosa sẽ phải có trách nhiệm giải quyết thảm họa môi trường và đền bù thiệt hại cho người dân nếu Formosa thực sự gây ra vụ cá chết ở Việt Nam“.

Việt Nam rất cần những nhà đầu tư nước ngoài, nhưng những vụ đầu tư đó phải có lợi cho hai bên. Nếu môi trường biển và cuộc sống người dân Việt Nam bị đe dọa, điều đó sẽ tạo ra những thách thức và khó khăn lớn cho các dự án đầu tư khác của Đài Loan vào Việt Nam trong tương lai, ông Peter cho biết thêm.

Mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đài Loan mặc dù chưa chính thức, nhưng hai bên vẫn là những đối tác thương mại thân thiết. Hiện nay, có khoảng 250.000 người Việt đang sinh sống và làm việc tại Đài Loan.

Ông David Wang, đến từ bộ phận dịch vụ đầu tư tại Đài Loan cho biết: “Hà Nội sẽ công bố kết quả cuộc điều tra được thực hiện bởi các chuyên gia quốc tế vào cuối tháng Sáu này”.

Bài: Mai Lộc

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua