Vợ kể công, chồng ức chế

Kể công có lẽ là một cách khẳng định tình yêu với chồng của các bà vợ. Với đàn ông, đó lại là chuyện nhạy cảm, đụng chạm đến sĩ diện. Không tin ư? Mời bạn đọc “tâm thư” của anh nhé!

Chẳng cần nói ra ai cũng biết, vợ tôi là người tuyệt vời và tôi thực sự may mắn mới cưới được cô ấy. Vợ kiếm được nhiều tiền hơn tôi, lại là người chu đáo, biết quan tâm đến bố mẹ chồng. Ngày sinh nhật, ngày 8–3, thậm chí ngày ít người biết ở Việt Nam như Ngày của mẹ, Ngày của cha, cô ấy đều tặng quà cho cha mẹ.

Chắc hiếm có cô dâu nào ở chung với nhà chồng bảy năm rồi mà vẫn vui vẻ, không hề có mâu thuẫn dù là nhỏ. Chắc hiếm có nàng dâu nào xúi bẩy chồng: “Hay là vợ chồng mình mua cho ông bà một tour du lịch nước ngoài? Ông bà chưa được bước chân ra khỏi lãnh thổ Việt Nam” hoặc “Mua cho ba chiếc máy tính mới đi anh. Cái máy của ba cũ rồi”…

Tôi từ bỏ công việc làm thuê, chập chững đứng ra kinh doanh riêng. Tiền tiết kiệm của cô ấy cứ lớn lên rồi lại trở về số không. Làm thêm bên ngoài, có bao nhiêu tiền cô ấy cũng khoe hết với chồng và lấy ra giúp chồng mua máy móc, đầu tư. Nói chung, vợ tôi là người rất đảm đang, hết lòng vì gia đình!

Chỉ có một điều duy nhất khiến tôi phiền lòng là cô ấy rất hay kể công. Làm được việc gì cho cha mẹ, cô ấy không nói với ba mẹ mà luôn kể lể với chồng: “Nhà anh có phúc lắm mới có được con dâu như em nhé. Nói thật, em thương cha mẹ anh chẳng khác gì cha mẹ em”.

Mỗi lần rút tiết kiệm đưa cho chồng, cô ấy cũng bảo: “Em mà nghỉ làm một tháng thì không biết anh lấy tiền đâu ra mà trả lương cho nhân viên của anh nữa”.

Lần nào vợ đưa tiền cho tôi làm ăn là lần đó ba mẹ hai bên cũng biết. Cô ấy oang oang trước mặt tôi mà kể với bố mẹ chồng, bố mẹ vợ và cả anh chị em đằng ngoại về chuyện cô ấy vừa rút bao nhiêu tiền cho tôi kèm theo nỗi trăn trở: “Đầu tư như thế, chẳng biết anh ấy có làm nên cơm cháo gì không?”.

Từ trong thâm tâm, tôi mang ơn và rất nể trọng những hy sinh, chăm chút của vợ cho gia đình, cho việc kinh doanh. Tôi thể hiện điều đó qua những việc mà cô ấy không bao giờ để ý. Tôi hay nói: “Cám ơn vợ”, hay khen “Vợ giỏi quá” khi cô ấy khoe kiếm được một khoản tiền lớn. Tôi còn thể hiện sự nể trọng của mình với vợ bằng chuyện có thành công nào, tôi cũng vui vẻ khoe với vợ đầu tiên. Trước khi làm việc gì, tôi cũng luôn thông qua ý kiến của vợ.

Nhưng hình như điều đó chưa đủ. Các bà vợ càng đảm đang, càng thích kể công thì phải.

Khi nghe vợ kể công lần một, tôi chẳng ngại nói cám ơn cô ấy. Nhưng khi nghe cô ấy kể lần hai, tôi thấy ngán và bực mình, liền tìm cách “chuồn” đi chỗ khác. Tôi có cảm giác mình mắc nợ vợ nhiều quá, mình kém cỏi, vô dụng và cũng cảm thấy hình như vợ khinh thường mình.

Buồn nhất là khi cô ấy kể với cha mẹ hai bên, anh chị em, thậm chí cả bạn bè, đồng nghiệp một cách hồn nhiên. Tôi biết, cô ấy chỉ kể cho đã miệng, muốn được người khác khích lệ, muốn nhắc nhở chồng đừng quên sự hy sinh của mình… nhưng vẫn buồn và giận. Bị kể lể công khai, tôi cảm thấy xấu hổ kinh khủng. Vì ức chế nên càng ngày tôi càng ít nói chuyện với vợ. Tôi còn không dẫn cô ấy đi gặp gỡ bạn bè vì chỉ sợ… cô ấy buột miệng kể lể, làm mất mặt mình. Đó đều là những điều thực lòng tôi không muốn nhưng vẫn làm để bảo vệ cái bản ngã đàn ông của mình.

Bây giờ, khi phụ nữ ngày càng thành đạt nhiều hơn nam giới, tôi nghĩ sẽ có rất nhiều người vợ giống vợ tôi và cũng có nhiều ông chồng hay bị ức chế giống như tôi.

Vẫn biết, phụ nữ thể hiện tình yêu bằng lời, muốn trải hết lòng mình ra để được chồng hiểu, thêm trân trọng và yêu thương. Tuy thế, cái gì cũng có giới hạn và nếu nhiều quá lại gây “tác dụng phụ”. Nhẹ thì có thể khiến vợ chồng tranh cãi, bất hòa. Nặng có thể dẫn đến chán vợ, mệt mỏi, ngoại tình, thậm chí ly hôn.

Đôi điều tâm huyết, mong các bà xã đảm đang lắng nghe và thấu hiểu!

Trung Hiếu (TP. HCM) – Theo Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua