Bạn bè thỉnh thoảng mới có dịp gặp mặt, mà chỉ toàn là đàn ông với nhau. Trong quán cà-phê hôm nay, chủ đề về các bà vợ được đề cập bởi trong đám “đeo gông”, có một anh than phiền thường xuyên “mệt não” vì có chị vợ ít nói.
Khi vợ ít nói: Nguyên nhân và cách hóa giải sự im lặng của nàng
SỢ VỀ NHÀ VÌ VỢ CHẲNG NÓI GÌ
Quả thực có những bà vợ không mấy hào hứng khi chồng trò chuyện về công việc hay bạn bè. Thậm chí, có bà tỏ ra chẳng thèm quan tâm ngay cả lúc chồng có dấu hiệu bất thường như là đi làm về muộn, uống hơi quá chén hoặc bỏ cơm nhà nhiều bữa trong tuần. Vợ ít nói có vẻ là một đề tài mang đầy tính quan ngại với không ít người đàn ông. Nàng càm ràm thì chàng không thích nghe, mà nàng lặng như tờ thì chàng cũng ngán. Bởi thế mà đa số đàn ông chúng tôi bị can tội khó chiều.
Thế nhưng, đôi khi cái gì quá thì quả là không nên. Đã là vợ chồng rồi thì nên phối hợp sao cho ăn ý, ra ngõ hay về nhà cũng vậy, chồng nói thì các bà vợ cứ gật đầu khen hoặc ít ra nên lắng nghe và chia sẻ chút ít cho chồng có động lực lo cơm áo gạo tiền.
Đằng này một số bà vợ kiểu này ngày càng tăng “level” theo thời gian chung sống. Công việc nhà nàng cứ thế mà làm, nếu không vui cũng chẳng tỏ ra làm chồng không biết phải giúp vợ việc gì, phải làm như thế nào. Chồng áy náy cứ giúp bừa, khi xong việc nàng vẫn tiếc một lời khen động viên.
Theo ý kiến của một số ông chồng, nếu vợ là một người kiệm lời dai dẳng và “mãn tính” trong mối quan hệ vợ chồng sẽ rất dễ gây ra một nỗi ám ảnh khó chịu. Nhiều khi các ông phải tự vấn mình đã làm gì nên tội. Đến một thời điểm, người đàn ông sẽ muốn trốn chạy khỏi bầu không khí nặng nề ấy, từ đó sinh ra chuyện sợ về nhà với vợ.
TẠI SAO CÁC BÀ IM LẶNG?
Có thể do bản tính: Nếu vợ ít nói, lầm lì làm các ông khó chịu, trước tiên các ông cần xem xét liệu đó có phải là do bản tính của cô ấy hay không. Nếu đúng là vậy, chồng nên thông cảm cho nàng hoặc tìm phương pháp hạn chế điều đó bằng cách thường xuyên chuyện trò, tìm ra sở thích của cô ấy và cùng nhau thực hiện. Có thể điều đó sẽ giúp nàng cởi mở hơn với chồng con và cả người ngoài.
Chai lỳ cảm xúc theo thời gian: Phái yếu phải trải qua nhiều giai đoạn biến đổi nội tâm như sau khi kết hôn, sau khi sinh con, sự hy sinh cho gia đình lớn, nhỏ đã khiến cho những người vợ trở nên chai lỳ với cuộc sống hôn nhân và xã hội. Là chồng, đôi khi các ông nên tỏ ra bao dung để xua đi cái tôi của mình, sẵn sàng chia sẻ những buồn vui với vợ.
Kém tự tin: Không hiểu công việc của chồng nên ngại tham gia vào những câu chuyện của anh hoặc anh thường trao đổi những lĩnh vực vợ ít quan tâm.
Vì mục đích của chồng là muốn gia đình êm ấm hạnh phúc, hãy tìm cách hóa giải sự im lặng của nàng bằng chính trái tim của người đàn ông.
BẮT ĐẦU LẠI
Sự tinh tế và quan tâm của chồng có thể là mắt xích quan trọng để hóa giải những cảm xúc tiêu cực lớn dần trong suy nghĩ của vợ.
Nên thuyết phục vợ tham gia vào những cuộc vui cùng bạn bè, đồng nghiệp chồng để mở rộng đề tài trò chuyện.
Vợ ít nói, kiệm lời là một dấu hiệu không lấy gì làm tốt lành. Vì vậy ngoài việc khoan dung, người chồng nên làm quen con người mới của vợ mình và bắt đầu với mọi cảm xúc, sự quan tâm và yêu thương mới mẻ.
Tiếp Thị Gia Đình