Vợ chồng chiến tranh lạnh ảnh hưởng thế nào đến hạnh phúc?

Các ông chồng hoặc bà vợ thường có xu hướng chiến tranh lạnh khi hai bên không thể thoả hiệp cùng nhau. Nhưng bạn có biết, chiến tranh lạnh sẽ gây ra những ảnh hưởng gì không?

Với chúng ta, gia đình có nghĩa là vòng tay ôm lấy nhau và luôn luôn ở bên nhau – Barbara Bush

Chồng đi nhậu hơn 10 giờ khuya mới về, chị Lan (Q. 3, TP. HCM) giận quá không mở cửa cho chồng vào nhà. Vậy mà anh còn dám lấy lý do: chẳng lẽ đứng năn nỉ vợ hoài làm phiền hàng xóm nên đành ra khách sạn ngủ.

Tới sáng, anh mới ào về nhà năn nỉ, chị Lan tức giận nên nói nặng lời. Vậy là anh chiến tranh lạnh cả tuần. Chị Lan kể, mỗi lần vợ chồng chiến tranh lạnh là cả đêm mình không ngủ được, tinh thần vô cùng căng thẳng, thậm chí phải dùng tới thuốc an thần.

Đành rằng có sự “im lặng là vàng” giúp bạn tránh khỏi rắc rối trong mối quan hệ, song im lặng khi giận cũng có thể dẫn tới những hệ lụy lâu dài trong mối quan hệ vợ chồng.

VỢ CHỒNG CHIẾN TRANH LẠNH KHIẾN MỐI QUAN HỆ THÊM TỒI TỆ

Để kiểm tra vợ chồng chiến tranh lạnh ảnh hưởng thế nào đến hôn nhân, các nhà khoa học tại Đại học Texas Christian ở Fort Worth, Texas, Mỹ, phân tích 74 nghiên cứu khác nhau, trong các năm 1987–2011 trên tổng số 14.000 người. Kết quả, những người thường chọn giải pháp im lặng hoặc thường xuyên đối diện với sự im lặng của bạn đời có thể bị ảnh hưởng tiêu cực về cả tinh thần và thể chất.

20151119-vo-chong-chien-tranh-lanh-hinh-anh-01“Im lặng làm gia tăng sự lo lắng cho cả hai và có thể khiến vợ hoặc chồng có hành vi lấn át bạn đời”, giáo sư Paul Schrodt nói. Đồng thời, những cặp vợ chồng này sẽ:

• Ít hài lòng về mối quan hệ, sự thân mật và khả năng giao tiếp vợ chồng cũng kém hơn các cặp đôi khác.

• Vợ chồng chiến tranh lạnh có nguy cơ ly hôn cao hơn.

• Ngoài ra, chiến tranh lạnh còn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, gây bệnh đường tiết niệu, đường ruột và cả rối loạn chức năng cương dương ở nam giới.

Giới chuyên môn cho rằng khi có cảm giác bị tổn thương và không muốn nói về mâu thuẫn hiện tại, người ta thường chọn thái độ im lặng. Bạn im lặng vì muốn giữ lấy quyền kiểm soát, tìm kiếm sự an toàn, không muốn mâu thuẫn trở nên trầm trọng hơn, nhưng cũng có người im lặng vì “giận quá, không thể nói được nên lời”.

Khi Tiếp Thị Gia Đình hỏi 5 người vợ và 5 người chồng về cảnh đối phương chiến tranh lạnh khi giận, tất cả đều mô tả cảm giác đó là “khó chịu”, “cảm thấy như bị khiêu khích”, “cảm thấy bất lực”, “cảm thấy tội lỗi”, “cảm thấy cô/anh ấy đang thách thức tôi”, “muốn nổ tung” và “muốn giơ nắm đấm”.

BẠN NÊN LÀM GÌ KHI VỢ CHỒNG CHIẾN TRANH LẠNH?

Trước mắt, việc im lặng tạm thời có thể làm dịu tình trạng đối đầu với căng thẳng, cho cả hai thời gian để suy nghĩ về hành vi của mình. Song, với kết quả nghiên cứu trên, bạn có thể thấy tình trạng vợ chồng chiến tranh lạnh kéo dài không hóa giải mâu thuẫn mà còn tác động xấu đến mối quan hệ vợ chồng.

Việc phá bỏ thói quen im lặng này quả thật không dễ, đặc biệt là đối với người ít nói, không thích bùng nổ. Song, dù không muốn nói chuyện với đối phương, bạn cũng đừng để mình phải “im lặng tuyệt đối”. Chuyên gia trị liệu tâm lý người Mỹ, Teresa Grella-Hillebrand gợi ý bạn hãy nói lên, dù chỉ một mình, về nỗi đau buồn rồi phân tích lỗi của cả hai để tránh trượt vào sự im lặng tai hại. Sau đó, khoảng 1 giờ hoặc 1 ngày, khi ấy bạn thấy nguôi giận và trái tim đã đủ ấm để tiếp tục yêu thương, trò chuyện với bạn đời, bạn cần nói chuyện với anh về mâu thuẫn đã xảy ra.

Bài: XOA XOA

Mục Mẹ và con – Dinh dưỡng / Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua