Bạn có thể làm gì đây sau khi vợ chồng cãi vã, sau những lời trách móc và những bộ chén đĩa bị đập vỡ? Tất nhiên là phải dọn dẹp các mảnh vỡ và hòa giải với nhau. Nhưng mọi việc cũng không đơn giản như thế: để hòa giải, bạn cần phải có trí thông minh sao cho không gây ra thêm một làn sóng xung đột tiếp nối và phá vỡ mối quan hệ.
Mâu thuẫn tích tụ dần
Bạn và anh ấy dành cho nhau một tình yêu ngọt ngào nhưng vẫn bị áp lực với gánh nặng của hàng tá vấn đề trong đời sống hàng ngày. Thoạt đầu, cả hai đã cố gắng hết sức giúp đỡ nhau, cố gắng bỏ qua rất nhiều nỗi bực bội phiền toái. Mọi thứ bắt đầu với những chuyện có vẻ rất vặt vãnh: bạn đã không ủi áo cho chồng đi làm, còn anh ấy hôm qua quên mua thức ăn, bạn nói điều gì đó không tốt về anh trai của anh ấy, còn anh không muốn gặp mặt mẹ của bạn. Dần dần sự căng thẳng đạt đến điểm khủng hoảng và… một vụ nổ, đích thực là vợ chồng cãi vã, đã xảy ra.
Bạn hoặc anh ấy rời bỏ chiến trường cãi vã, dập cửa thật lớn, hoặc đơn giản là cả hai chui vào hai căn phòng khác nhau, nhưng tinh thần của cả hai vẫn… chỉ trích, oán nhau một cách âm thầm, trong đáy lòng tiếp tục chỉ trích nhau, khiến ngay cả những giọt nước mắt cũng không thể thoát ra ngoài được.
Bước đầu hòa giải
Tình huống này có vẻ như rất quen thuộc với tất cả chúng ta. Bây giờ, hãy thử nghĩ đến bạn đã “hòa giải thế nào?”. Đó có phải là cách hòa giải tốt nhất chưa? Bạn có thể bắt đầu hành trình này bằng cách trả lời một số câu hỏi sau đây nhé:
– Điều gì là nguyên nhân ban đầu gây ra tranh cãi? Thông thường, các nguyên nhân thật sự ẩn dưới những lời buộc tội hết sức vặt vãnh. Hãy đào bới trong chính bản thân mình, nhớ những sự kiện xảy ra gần đây nhất và các cuộc nói chuyện có thể gây ra những sự thay đổi mạnh mẽ. Vấn đề hình như không phải là chiếc áo chưa ủi, vậy thì đó là điều gì?
– Vì sao mình lại phản ứng dữ dội như thế nhỉ? Sự thật là tại sao? Bởi chính bạn cũng nhận thấy rằng, nếu tâm trạng của bạn vui vẻ hơn thì chuyện thùng rác chưa đổ hay mấy chiếc chén không rửa trên bàn ăn chưa chắc đã khiến bạn nổi điên đến như thế. Điều này có nghĩa rằng bạn đã dồn nén những cảm xúc tiêu cực trong một thời gian dài. Đột nhiên bạn nhận ra rằng hình như nguyên nhân không phải là chồng hay bạn trai của bạn, mà đó chính là các vấn đề ở nơi làm việc, hay các mối quan hệ của bạn với mẹ hoặc bạn gái của mình… và còn người đàn ông yêu thương của bạn đã trở thành nơi để bạn trút giận.
Nhận diện mong muốn
♠ Bạn tự hỏi lòng “mình có muốn giảng hòa hay không?”. Đây có lẽ là câu hỏi quan trọng nhất. Câu trả lời này sẽ quyết định số phận mối quan hệ của bạn. Hãy nhớ lại tất cả những điều tuyệt vời và những chuyện khó chịu, cân nhắc những ưu và khuyết điểm của anh ấy. Nếu sau khi suy nghĩ mà bạn vẫn chưa muốn hòa giải, điều ấy có nghĩa là bạn có thể cần nhiều thời gian tạm dừng mọi việc lại để suy nghĩ thêm. Mong muốn hòa giải phải hết sức chân thành, nó không phải là việc cố gắng để giải quyết các vấn đề về tài chính, hoặc các vấn đề hết sức riêng tư của vợ chồng.
♠ Bạn sẵn sàng làm gì cho mối quan hệ? Khi bạn nhận ra rằng cuộc cãi cọ là do hoàn cảnh và những sự thúc đẩy khác, bạn hãy nhận lỗi cùng với việc tìm cơ hội để hòa giải. Thực hiện bước hòa giải đầu tiên luôn hết sức khó khăn, nhưng với điều đó, bạn thể hiện sức mạnh cá tính của mình và hết lòng vì tình yêu.
♠ Sau khi bạn cảm thấy rằng mình đã bình tĩnh và quên hết các chi tiết của cuộc cãi vã, trong lòng là nỗi buồn về sự mất mát, bạn hãy bước về phía anh ấy. Để xem anh ấy có muốn làm hòa với bạn hay không, bạn có thể gọi điện thoại hoặc nhắn tin: “Không có anh, em buồn quá…”.
Nếu anh ấy không trả lời ngay, bạn hãy cho anh ấy thêm thời gian và chờ đợi phản ứng của anh ấy. Đặc biệt, bạn không nên thực hiện những việc sau đây:
♦ Tìm đến rượu bia, thuốc lá hay các chất kích thích.
♦ Đề nghị một cuộc trò chuyện nghiêm túc khi anh đang trong ngày làm việc căng thẳng.
♦ Nếu người bạn yêu gọi điện thoại cho bạn không đúng lúc, có thể là bạn chưa muốn nói chuyện thì bạn vẫn nên nhấc máy. Chỉ cần yêu cầu anh ấy hãy gọi lại sau, hoặc nói với anh ấy rằng bạn sẽ gọi lại sau đó.
♦ Bắt đầu cuộc trò chuyện theo kiểu: “Anh có nhận ra lỗi của mình và sẵn sàng xin lỗi em chưa?” hay “Anh là kẻ chẳng ra gì, nhưng em yêu anh và tha thứ cho anh”.
♦ Thảo luận các nguyên nhân gây nên cãi vã trong thời gian hòa giải.
Bạn đừng ngại là người chủ động hòa giải sau khi vợ chồng cãi vã và bạn cũng nên hòa giải đầy tình cảm. Bạn thừa nhận lỗi của mình, có thể khóc, làm anh cười, ôm lấy anh và không thiếu những nụ hôn. Nếu thật sự là lỗi của bạn, hãy cho anh ấy tin rằng không có anh ấy bạn sẽ rất buồn khổ, bạn chỉ cần kể cho anh nghe những cảm giác bạn trải qua khi không có anh bên cạnh và nhấn mạnh rằng anh ấy là người mang đến niềm vui và hạnh phúc cho bạn. Bạn luôn muốn tình yêu này bền vững và dù thế nào đi chăng nữa, bạn sẽ luôn ở bên anh ấy. Những người yêu nhau sẽ luôn tìm thấy con đường dẫn đến sự hòa giải. Và điều quan trọng nhất là bạn nhớ đừng gây mâu thuẫn để phải hòa giải mãi nhé!
BÀI: SONG VĂN
Tiếp Thị Gia Đình