Virus cúm: Tưởng đơn giản nhưng không hề đơn giản

Đối với hầu hết mọi người, cúm chỉ đơn giản là một căn bệnh bình thường về hô hấp. Thế nên, nó thường bị xem nhẹ. Hậu quả là cúm để lại nhiều biến chứng nghiêm trọng trên cơ thể người bệnh, thậm chí dẫn đến tử vong

Ảnh: Shutterstock

Vi rút cúm là một loại vi rút đường hô hấp tấn công người bệnh vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Nó xâm nhập vào cơ thể qua màng nhầy của mắt, mũi hoặc miệng. Khi người mang vi rút cúm hắt hơi, ho hoặc sổ mũi, vi rút phát tán trong không khí. Nếu chúng xâm nhập vào cơ thể ai thì người đó sẽ nhiễm bệnh.

Cúm có nguy cơ bùng phát thành dịch bệnh vì rất dễ lây lan từ người sang người hoặc từ động vật sang người. Mặc dù hiện nay vi rút Covid-19 mới đang hoành hành trên toàn thế giới, nhưng không thế mà chúng ta lơ là với các loại vi rút cúm “lâu năm”.

Các loại virus cúm

Có 4 loại virus cúm: A, B, C và D

Virus cúm A: có khả năng lây nhiễm từ động vật (thường là gia cầm) sang người. Đây là vi rút duy nhất có khả năng gây ra đại dịch cúm.

Virust cúm B: chỉ được tìm thấy ở người. Các triệu chứng và biến chứng do vi rút cúm B gây ra ít nghiêm trọng hơn so với vi rút cúm A nên nó không gây ra đại dịch.

Virus cúm C: gây ra bởi vi rút loại C, rất ít gặp và luôn nhẹ hơn các trường hợp do vi rút nhóm A, B. Bệnh có các triệu chứng lâm sàng không điển hình và cũng không gây dịch.

Virus cúm D: chủ yếu ảnh hưởng đến gia súc, không lây nhiễm hoặc gây bệnh cho người.

Cúm có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai ở mọi lứa tuổi, song các đối tượng sau đây có hệ miễn dịch yếu nên dễ nhiễm cúm hơn:

Trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt là 2 tuổi trở xuống.

Trẻ em dưới 18 tuổi dùng aspirin hoặc thuốc có chứa salicylate.

Người lớn từ 65 tuổi trở lên.

Phụ nữ mang thai.

Những người dùng thuốc ức chế miễn dịch.

Người béo phì nặng.

Biến chứng nguy hiểm của cúm

Nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời, vi rút cúm sẽ gây ra hàng loạt biến chứng:

Nhiễm trùng tai

Trẻ em bị cúm có nguy cơ nhiễm trùng tai rất cao. Vi rút cúm gây viêm cổ họng, đồng thời tấn công trực tiếp vào tai trong. Đây lại là môi trường lý tưởng để vi rút phát triển. Vì trẻ bị hắt hơi, sổ mũi, ho thường có chất lỏng tích tụ trong tai, khiến trẻ bị nhiễm trùng tai.

Viêm xoang

Nhiễm trùng xoang chính là biến chứng nguy hiểm tiếp theo của cúm. Lúc này, vi rút cúm tấn công trực tiếp hoặc gián tiếp vào xoang, gây nhiễm trùng.

Làm nặng thêm tình trạng hen suyễn

Người mắc bệnh hen suyễn lâu năm có thể gặp các triệu chứng tồi tệ hơn khi bị cúm. Vi rút cúm gây viêm đường hô hấp, khiến bệnh nhân hen suyễn tăng độ nhạy cảm với các chất gây dị ứng.

Viêm phổi

Vi rút cúm là tác nhân phổ biến của bệnh viêm phổi. Lý do là nó gây ra sự tích tụ chất lỏng và giảm cung cấp oxy cho phổi cũng như các cơ quan khác trong cơ thể. Biến chứng viêm phổi từ cúm thậm chí còn dẫn tới tử vong.

Chuyển dạ sớm

Phụ nữ mang thai bị cúm có nguy cơ gặp phải các biến chứng trước và trong lúc sinh như nhiễm trùng hô hấp, chuyển dạ sớm, em bé nhẹ cân… Một nghiên cứu năm 2012 cho thấy những bà mẹ nhiễm cúm trong thai kỳ có nhiều khả năng sinh con bị khiếm khuyết về não và cột sống.

Tử vong

Số ca tử vong do cúm và các biến chứng liên quan đến cúm mỗi năm dao động theo độ dài và mức độ nghiêm trọng của mỗi mùa cúm. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), từ năm 2010 trở lại đây, mỗi năm trên thế giới có khoảng 9–45 triệu người mắc cúm với trên 61.000 trường hợp tử vong vì biến chứng viêm phổi do cúm gây ra.

virus cúm

Cách duy nhất để phòng tránh cúm là chích ngừa hàng năm. Ảnh: Shutterstock

Điều trị và phòng ngừa cúm

Nếu nhiễm cúm ở thể nhẹ với các dấu hiệu như sốt, mệt mỏi, đau nhức toàn thân, hắt hơi, chảy nước mũi… bạn có thể tự điều trị ở nhà, sau vài ngày là bệnh tự khỏi.

Tuy nhiên, khi phát hiện bệnh tiến triển nặng lên, biểu hiện bằng các triệu chứng: khó thở, sốt cao kéo dài, da ngả màu xanh hoặc xám, chóng mặt đột ngột, nôn mửa dữ dội hoặc kéo dài, co giật. Khi đó, bạn cần đến bệnh viện ngay để được chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời, ngăn ngừa biến chứng.

Cách duy nhất để phòng tránh cúm là tiêm phòng. Hàng năm, các nhà nghiên cứu sẽ phát triển một loại vaccine để ngăn chặn các chủng vi rút có khả năng hoành hành trong mùa cúm sắp tới. CDC khuyến nghị tất cả mọi người từ 6 tháng tuổi trở lên, đặc biệt là đối tượng có nguy cơ nhiễm cúm cao, cần được tiêm phòng.

Nếu chưa kịp chích ngừa mà dịch cúm xảy ra, bạn lưu ý:

Hạn chế đến những nơi đông người, tránh tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc nghi nhiễm cúm.

Thường xuyên rửa tay với xà phòng diệt khuẩn.

Vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.

Sử dụng khẩu trang y tế khi ra ngoài.

Bài: A.S
Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua