Vĩnh Long phát hiện cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm giả quy mô lớn

Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long phát hiện cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm giả, thu giữ 670 mũ giả các nhãn hiệu: Mobifone, JoJo, Doremon...

Chiều 3–3, Đội Quản lý thị trường số 4, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long phát hiện cơ sở sản xuất bảo hiểm giả nhãn hiệu quy mô lớn tại ấp Long Hòa 1, xã Long Mỹ (huyện Mang Thít) do ông Nguyễn Hoàng Phi, sinh năm 1986 làm chủ.

Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở đang sản xuất bình thường với ba công nhân, máy móc để sản xuất thô sơ. Chủ cơ sở chưa xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cũng như hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm mặt hàng mũ bảo hiểm đang sản xuất tại cơ sở.

Ngành chức năng đã thu giữ 530 mũ bảo hiểm nhỏ dành cho trẻ em, 140 mũ bảo hiểm dành cho người lớn được in các nhãn hiệu: Mobifone, JoJo, Doremon…

Trên mũ bảo hiểm thành phẩm đều dán tem CR và do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lộc Phát, địa chỉ 468 đường Chiến Lược, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP. HCM, sản xuất.

Đoàn kiểm tra còn thu giữ các nguyên liệu sản xuất mũ bảo hiểm giả như 540 gáo mũ đã qua sơn, 1.200 gáo mũ chưa sơn, gáo mút 1.600 cái, 5 thùng sơn loại 5 lít/thùng, 1 bao dây quai mũ, 1 máy bơm hơi, 1 máy khoan, 1 máy đóng nút…

Theo lời khai của chủ cơ sở Nguyễn Hoàng Phi, người này đã thuê nhà tại địa chỉ trên để gia công mũ bảo hiểm cho các đại lý: Tú Nga, Thúy Hường ở TP. HCM. Mỗi chiếc mũ bảo hiểm thành phẩm bán cho đại lý có giá từ 11.000 đồng (mũ nhỏ) đến 13.000 đồng (mũ lớn). Bình quân mỗi ngày cơ sở sản xuất từ 100 – 120 chiếc mũ. Từ 3 – 4 ngày thì các đại lý lại cho xe tải đến chở 1.000 mũ bảo hiểm của cơ sở sản xuất để về TP. HCM tiêu thụ. Cơ sở mới sản xuất mũ bảo hiểm giả được 14 ngày thì bị ngành chức năng phát hiện.

Do số hàng hóa có dấu hiệu của việc sản xuất hàng giả nên Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ và tiếp tục mời chủ cơ sở đến làm rõ hành vi vi phạm.

Cách giúp bạn nhận biết mũ bảo hiểm đạt chất lượng

♦ Có dán tem hợp chuẩn (CR), nhãn hàng hóa được thiết kế tinh xảo, phản chiếu sắc cầu vồng dưới ánh sáng. Một số nhà sản xuất vừa in logo trên bề mặt mũ và cả quai mũ, lõi xốp bên trong.

♦ Thiết kế tinh xảo, chắc chắn, chi tiết sắc nét, ôm sát đầu và êm ái, dễ chịu khi đội.

♦ Vỏ mũ làm bằng nhựa tốt, dày, cứng như ABS (nhựa cứng), PVC (nhựa cao cấp, nhẹ hơn ABS), sợi thủy tinh (chống trầy xước), da…

♦ Lõi xốp dày, chắc, không bị lún khi ấn ngón tay vào, được dán chắc chắn vào vỏ mũ.

♦ Dây quai có nhiều lớp, chắc chắn, chịu lực kéo tốt. Một số loại mũ còn có dây quai được thiết kế lồng vào bên trong lõi xốp rất chắc chắn, giúp mũ ôm sát đầu và khó rớt khi xảy ra va chạm, té ngã.

♦ Giá từ 200.000 đồng trở lên.

Cách nhận biết mũ bảo hiểm giả hoặc kém chất lượng

♦ Thiết kế đơn giản và sơ sài.

♦ Không có tem dán hợp chuẩn (CR), không có nhãn hàng hóa hoặc nếu có thì không sắc nét, dễ trầy xước, tróc khỏi vỏ mũ.

♦ Nhái các kiểu mũ thời trang (như lưỡi trai, mũ phớt…).

♦ Vỏ mũ làm bằng nhựa mỏng, giòn, dễ xước, vỡ.

♦ Lõi xốp mỏng, mềm, bị lún khi ấn ngón tay vào, dễ tháo rời khỏi vỏ mũ.

♦ Dây quai không chắc chắn, dễ đứt, sờn, giãn.

♦ Giá rẻ, từ vài chục nghìn đến trên dưới 100.000 đồng.

Theo TTXVN

Đừng bỏ qua