VINFAST và giấc mộng lớn của ngành công nghiệp ô-tô Việt Nam

VINFAST tuyên bố sản xuất xe hơi thương hiệu Việt Nam. Ngập tràn thách thức và đương đầu với những khó khăn không tưởng nhưng Vingroup sẽ không đơn độc trong trận chiến cân não này

Giá xe ô-tô trên trời và nỗi niềm sản xuất ra cái ốc vít chuẩn luôn ám ảnh những người quan tâm đến công nghiệp nước nhà. Trước thềm 2018 hội nhập sâu về thuế và gần như khai tử ngành lắp ráp xe hơi Việt; thì vị đại gia mạnh gạo bạo tiền Vingroup tuyên bố nhảy sang lĩnh vực mới sản xuất ô-tô thương hiệu Việt VINFAST.

Vingroup sẽ đặt nhà máy tại đảo Cát Hải – Hải Phòng; với dự kiến công suất ngay giai đoạn đầu là 100.000 – 200.000 xe ô-tô/năm. Sau 12 tháng sẽ sản xuất xe máy điện và sau 24 tháng là ô-tô. Tiêu chuẩn khí thải Euro-5.0 và 6.0 (Việt Nam hiện đang áp dụng Euro-4.0). Vingroup đã gọi được 800 triệu USD từ Credit Suisses cho tổ hợp này.

VINFAST, NIỀM HY VỌNG Ô-TÔ THƯƠNG HIỆU VIỆT

VINFAST có thể xem là thông tin nóng nhất tháng trên thương trường. Đây có thể coi là cột mốc trong lịch sử Việt Nam thời đổi mới, hội nhập. Xe giá rẻ nhập thỏa mãn nhu cầu lớn của người dân có thu nhập trung bình. Thị trường hấp dẫn này đang nằm hoàn toàn trong tay các nước bạn. Cú ra đòn của Vingroup đã mở ra cơ hội cho giấc mơ xe hơi của người Việt.
Kế hoạch 2 năm sau ra mắt xe ô-tô thương hiệu Việt sẽ gặp nhiều thách thức không nhỏ. Tuy nhiên, những cơ hội và thuận lợi mở ra cũng lớn tương đương cho cá nhân Vingroup; và cả nền công nghiệp sản xuất xe hơi Việt Nam.

VINFAST SẼ GẶP KHÓ KHĂN VÀ THUẬN LỢI GÌ

– Việt Nam là thị trường tiêu thụ ô-tô tiềm năng nhưng tỷ lệ sở hữu ô-tô rất thấp, chỉ đạt 23 xe/1.000 dân. Cơ sở hạ tầng đang được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người sẽ đạt ngưỡng 3.000 USD/năm vào năm 2020 là những lý do làm bùng nổ nhu cầu sở hữu xe hơi tại Việt Nam.
– Ngành công nghiệp ô-tô Việt Nam lại đang đứng trước những thách thức hội nhập các dòng thuế được cắt giảm về 0%. Các doanh nghiệp lắp ráp xe tại Việt Nam chắc chắn chuyển qua nhập khẩu xe; vì không thể cạnh tranh với Thái Lan hay Indonesia. Cạnh tranh rất cao.
– Vingroup muốn vực dậy ngành phụ kiện là sự thay đổi về tư duy của doanh nghiệp làm ô-tô Việt Nam. Họ không sản xuất để phục vụ thị trường Việt Nam, mà hướng ra xuất khẩu. Bởi chính sách hỗ trợ xuất khẩu có nhiều ưu thế hơn là sản xuất nội địa.

Những thuận lợi của VINFAST

– Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh công nghiệp ô-tô cần có thương hiệu quốc gia. Bộ Tài chính Việt Nam sẽ giảm thuế nhập khẩu linh kiện ô-tô về mức 0% đối với những linh kiện xe dưới 9 chỗ dung tích từ 2.000cc trở xuống và xe tải dưới 5 tấn (áp dụng trong 5 năm từ 2018 đến 2022).
– Vingroup đã ký hợp đồng hợp tác, tư vấn với các đối tác hàng đầu thế giới; chuyên về dây chuyền sản xuất, hệ thống xăng như Boston Consulting Group, Magna Steyr, AVL; Durr, Henn (Đức) và các studio thiết kế xe hàng đầu thế giới như Pininfarina (Italy), Zagato (Italy), Torino Design (Italy); và ItalDesign (Italy).

– Vingroup cũng tuyển dụng được các chuyên gia công nghệ và sản xuất ôtô hàng đầu thế giới như BMW (Đức), General Motors (Mỹ), Bosch (Đức)… về làm việc.

Niềm hy vọng vào VINFAST

Cuộc chiến này đáng để theo dõi và cổ vũ cho VINFAST. Hy vọng trong tương lai gần, người Việt sẽ có được những chiếc ô-tô Made in Vietnam, made by Vietnamese.

Bài: NGUYỄN HẬU

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua