Sự nhiệt tình chăm sóc vợ của ông Trương khiến nhiều người cảm phục
Bác sỹ cho hay bà Cung Huân Huệ, 62 tuổi, sống ở Thành Đô, Trung Quốc, bị chứng xơ cứng teo cơ một bên (ALS) vào năm 2003 và bà cần đến sự hỗ trợ của xe lăn vào năm 2006. Căn bệnh này khiến bà không thể nói hay di chuyển, chỉ có đôi mắt còn hoạt động. Mọi sinh hoạt cơ bản đều dựa vào sự hỗ trợ của chồng bà là ông Trương.
Tuy nhiên, bà vẫn mạnh mẽ vượt qua sự khắc nghiệt của bệnh tật. Hai vợ chồng lên kế hoạch viết tự truyện chỉ bằng cách chớp mắt. Ông Trương cho biết mỗi ngày của bà bắt đầu từ 8 giờ sáng đến 10 giờ tối trước màn hình máy tính. Nhờ máy tính gắn camera có thể nhận tín hiệu từ mắt và phát ra lệnh gõ chữ, bà Cung vừa viết tự truyện, vừa trò chuyện với bạn bè trên trang mạng xã hội.
Bằng cách chớp mắt hàng chục ngàn lần, bà viết tối đa 3.000 từ mỗi ngày và cuốn tự truyện dài 150.000 từ được hoàn thành sau một năm. Cuốn sách tập trung vào thời thơ ấu và cuộc chiến chống bệnh tật của bà. Bà Cung thổ lộ rằng bà muốn dùng những trải nghiệm của mình để khuyến khích, động viên những người cùng hoàn cảnh vượt qua thử thách trong cuộc sống. Chúng ta vẫn còn có nhiều cách để làm cho cuộc sống phong phú hơn.
Vợ chồng bà đã xuất bản gần 5.000 bản và chính quyền địa phương xuất bản 1.800 bản. Mục tiêu của bà là dùng số tiền thu được để mua sáu máy thở cho bệnh nhân xơ cứng teo cơ một bên tại Trung Quốc.
Xơ cứng teo cơ một bên là một chứng bệnh khiến các dây thần kinh trong não bộ và các tủy sống chết dần. Những dây thần kinh này được gọi là dây thần kinh vận động và chúng điều khiển các cơ, cho phép bạn di chuyển những phần khác nhau trên cơ thể.
Những người mắc chứng này sẽ dần dần bị tật. Tốc độ phát triển bệnh đối với mỗi người khác nhau. Nhưng sau một thời gian, ALS sẽ khiến người bệnh gặp khó khăn trong việc đi lại, nói năng, ăn uống, nhai nuốt và hít thở, có thể dẫn đến chấn thương, bệnh tật và thậm chí tử vong. Trong hầu hết các trường hợp, cái chết sẽ xảy ra trong 3 – 5 năm sau khi những triệu chứng bắt đầu, cũng có một số người có thể sống thêm rất nhiều năm, thậm chí vài thập kỷ.
Chứng ALS rất hiếm gặp. Mỗi năm ở Mỹ và hầu hết các nơi trên thế giới, chỉ từ 1 – 2 người trên 100.000 người mắc phải bệnh này. ALS có thể xảy đến ở bất kỳ độ tuổi nào, nhưng thường xuyên hơn ở tuổi trung niên và người cao tuổi. Các bác sỹ vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân gây ALS, chỉ có 1/10 ca mắc bệnh theo dạng di truyền.
Không có cách chữa khỏi bệnh ALS, nhưng việc điều trị sẽ giúp bệnh nhân khỏe hơn và không bị phụ thuộc vào bệnh lâu nhất có thể. Ví dụ: Tập vật lý trị liệu, dùng các thiết bị và công cụ hỗ trợ (gậy, khung tập đi, xe lăn, cầu dốc, tay vịn…) để giúp di chuyển, giao tiếp và sinh hoạt hàng ngày; các loại thuốc cũng giúp giảm những triệu chứng và làm cho bệnh nhân thấy thoải mái hơn; dùng ống dẫn thức ăn để giúp hấp thụ đủ dưỡng chất nhằm sống lâu nhất có thể; dùng các dụng cụ hỗ trợ hô hấp để hít thở dễ dàng hơn khi các cơ bắt đầu yếu đi…
Tiếp Thị Gia Đình