Việt Nam đã vô địch AFF Cup 2018. Sau 10 năm, chúng ta mới lại được nếm tư vị chiến thắng. Cả nước có một đêm không ngủ. Mọi người cùng xuống đường, hô vang khẩu hiệu “Việt Nam vô địch”.
Sau mỗi trận thắng của đội tuyển bóng đá Việt Nam; dù ở vòng bảng hay vòng knock-out, cổ động viên đều đi bão hò hét rất khí thế. Những tiếng thét lạc giọng: “Việt Nam vô địch” vang khắp nẻo đường! Không còn nghi ngờ gì nữa về lòng yêu nước và tinh thần dân tộc của người Việt Nam. Chúng ta khao khát được hãnh diện, được tự hào về Việt Nam. May quá, xin được cảm ơn thầy Park và các cầu thủ đã thỏa đáp ước mơ đó của người Việt.
Cần mở rộng phạm vi Việt Nam vô địch
Nhiều năm qua, chúng ta nói rất nhiều về khát vọng vươn lên, vươn ra thế giới, hóa rồng… Nhưng cho đến nay, hầu hết đều là mơ ước trên lý thuyết.
Tôi còn nhớ trong sách giáo khoa thập niên 1990; học sinh được học về khái niệm các nước công nghiệp, nông nghiệp. Bọn trẻ con khi đó đều tin rằng vào năm 2020, Việt Nam sẽ trở thành nước công nghiệp phát triển như Anh, Pháp, Nhật…
Hiện chúng ta đều biết kế hoạch này đã không thể thành hiện thực và hình như đã được lùi tới năm… 2050. Tuy nhiên, nếu không thay đổi về tư duy và cải cách sâu rộng trên mọi lĩnh vực; chắc chắn ta sẽ tiếp tục bị thế giới bỏ lại phía sau với những mơ ước và lý thuyết của mình. Tại Diễn đàn cải cách và Phát triển Việt Nam vừa qua; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Chúng tôi thừa nhận rằng Việt Nam vẫn đang đứng trước nhiều nguy cơ; trong đó nguy cơ bị bỏ lại và rơi vào bẫy thu nhập trung bình là rất lớn”.
Sự tụt hậu về kinh tế được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra rất rõ; theo đó thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đạt trên 2.300 USD năm ngoái. Nước ta xếp thứ 134 trên thế giới, dù dân số đứng thứ 13. Chúng ta tụt hậu so với Thái Lan 20 năm và với Hàn Quốc là 35 năm.
Chúng ta thậm chí đùa giỡn về những yếu kém của đất nước trên mạng xã hội.
Tại sao khi khó khăn gian khổ, chiến tranh chia cắt; tinh thần “xẻ dọc Trường Sơn” của người Việt lại cháy rừng rực? Tại sao khi thời bình, chúng ta chỉ nhắc mãi về trang sử hào hùng và cứ dậm chân loanh quanh một chỗ; mặc kệ thế giới tiến lên, sau đó ta đuổi theo mải miết. Chúng ta chiến thắng được mọi kẻ thù hùng mạnh nhưng tại sao mãi không chiến thắng được chính mình?
Thắng một trận đấu nhỏ ta cũng đi bão hò hét Việt Nam vô địch; còn hàng ngày, tinh thần đó, chúng ta đã giấu đi đâu? Chúng ta chấp nhận mình tụt hậu, phá rừng, diệt chủng động vật quý hiếm; lọt top các nước thải nhiều rác nhựa nhất ra môi trường…?
Tình trạng buôn gian bán lận nhiều đến mức người ta phải trưng biển rau sạch; cà phê sạch, thực phẩm sạch… ở mọi nơi.Chúng ta nhìn quanh và thấy những tín hiệu tiêu cực bủa vây; con người mất niềm tin vào nhau, bạo lực học đường leo thang; tình trạng tham nhũng khiến dân mất niềm tin ở quan chức.
Bắt đầu từ những điều nhỏ nhất
Chúng ta không thể mơ ngẩng cao đầu nhìn thế giới trong bầu không khí như thế. Bắt đầu từ những việc nhỏ mang tính cá nhân, gia đình; mỗi người đều cần kỷ luật hơn, văn minh hơn, chăm chỉ hơn, ý thức đóng góp cho cộng đồng cao hơn, học hỏi nhiều hơn… Chúng ta cần thừa nhận mình bị tụt hậu để quyết vươn lên. Mua chiếc điện thoại đời mới nhất không đồng nghĩa ta đã theo kịp thế giới!
Chỉ có cách làm giàu nội lực và nền tảng tri thức của từng cá nhân đến toàn xã hội như một nhu cầu lớn lao; duy nhất, ta mới thoát khỏi tụt hậu.
Hãy mở rộng tinh thần “Việt Nam vô địch” ngay lúc này!
Tiếp Thị Gia Đình