Sau cuộc trưng cầu dân ý diễn ra vào ngày 24−6, người dân Anh đã lựa chọn rời khỏi EU. Điều này không chỉ tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế, chính trị của 28 nước liên minh châu Âu mà còn tác động lên những lĩnh vực khác như thị trường chứng khoán, vàng, dầu mỏ trên thế giới, kể cả Việt Nam.
Theo nhiều phân tích của các chuyên gia kinh tế trong nước, sự kiện lịch sử Anh rời khỏi EU được đánh giá là chưa có tác động ngay tức khắc đến nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là trong quan hệ thương mại hai nước. Song, việc đồng bảng Anh cũng như đồng euro mất giá nặng nề sau khi Anh rời khỏi EU, đã gây ra những ảnh hưởng không ít đến các mặt hàng xuất khẩu Việt Nam.
Bà Đỗ Thị Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ thống kê giá, Tổng cục Thống kê nhận định, việc nước Anh rời khỏi EU chỉ tác động mạnh đến EU, Mỹ và các thị trường lớn của châu Âu như Nhật Bản, Singapore. Với Việt Nam, mức độ ảnh hưởng không lớn.
“Tất nhiên Brexit cũng có tác động nhất định đến kinh tế nước ta, nhưng hiện tại thì chưa thể đánh giá được” – phía Tổng cục Thống kê cho biết.
Tuy nhiên, việc Brexit khiến cho đồng bảng Anh mất giá trầm trọng so với đồng đô la Mỹ, ngành xuất khẩu ở nước ta có thể trở nên kém cạnh tranh hơn khi vào thị trường Anh.
“Việc đồng bảng Anh cũng như đồng euro đang trong chiều hướng mất giá có thể đem lại lợi ích cho những người Việt đi du lịch hoặc du học ở Anh, nhưng ngược lại, khiến hàng xuất khẩu Việt Nam đắt đỏ và kém cạnh tranh hơn khi vào thị trường Anh”, BBC dẫn lời chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu.
Do đó, những doanh nghiệp có lượng đơn hàng lớn xuất khẩu vào thị trường này, hoặc doanh nghiệp nào có đơn hàng phụ thuộc vào thị trường này, trước mắt việc xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng trong thời gian tới.
Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Anh liên tục tăng những năm qua. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Anh đạt tăng trưởng kép (CAGR) gần 17% trong giai đoạn 2008−2015, đạt mức kỷ lục 4,65 tỷ USD trong năm 2015, tương đương 15% giá trị xuất khẩu của Việt Nam vào khu vực EU.
Mỗi năm, Anh nhập khẩu khoảng 700 tỷ bảng. Trong khi đó Việt Nam mới xuất khẩu vào thị trường Anh khoảng 5 tỷ bảng, tức là mới chiếm được khoảng 0,5%, cho thấy Anh không phải là đối tác quá lớn về phương diên xuất khẩu/thương mại nên tác động ở quy mô lớn là khó xảy ra, nhưng đây sẽ là rào cản đầy khó khăn cho những mặt hàng xuất khẩu với số lượng lớn vào thị trường này.
Dựa trên các dữ liệu thống kê các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Anh năm 2012 − tháng 5 năm 2016, 10 mặt hàng xuất khẩu nhiều nhất đó là: hàng thuỷ sản, sản phẩm chất dẻo, gỗ và sản phẩm gỗ, hàng dệt may, giày dép các loại, điện thoại và linh kiện các loại, máy vi tính, sản phẩm và các linh kiện điện tử, máy móc và thiết bị phụ tùng khác, phương tiện vận tải và phụ tùng, và dụng cụ đồ chơi thể thao. Trong đó, điện thoại và linh kiện các loại là mặt hàng xuất khẩu tăng mạnh nhất từ năm 2012 cho đến nay, đỉnh điểm là năm 2015.
Các sản phẩm này đều là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào thị trường Anh nên khi Anh rời khỏi EU, sẽ dẫn đến tổn thất lớn cho việc xuất khẩu các mặt hàng trên khi thâm nhập vào thị trường đang vô cùng khó khăn này.
Điều trở nên đáng lo ngại tiếp theo, đó là việc thực thi ký kết Hiệp định Thương mại tự do với EU của Việt Nam có thể sẽ phải đàm phán lại khi mà hiện nay Nghị viện châu Âu vẫn chưa phê chuẩn, và việc Anh rời khỏi EU sẽ “vô tình” khiến cho những đàm phán và cam kết trước đây giữa Anh và Việt Nam trở nên ngày càng khó khăn hơn, đứng trước nguy cơ Việt Nam và Anh sẽ có một cuộc đàm phán lại.
Bài: Mai Lộc
Tiếp Thị Gia Đình