Ô nhiễm môi trường đang là vấn nạn nhức nhối tại Việt Nam. Đứng trước tình hình này, Tổng cục Môi trường cùng các bộ, ngành liên quan đang triển khai nhiều biện pháp để ngăn chặn phế liệu “bẩn” nhập khẩu vào Việt Nam. Trong đó có việc ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với 6 nhóm phế liệu nhập khẩu.
Tại các cảng biển, cơ quan chức năng chỉ cho phép thông quan những lô hàng phế liệu có giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.
Bên cạnh biện pháp “đánh chặn” từ xa, Bộ Tài nguyên Môi trường cũng dự thảo văn bản đề xuất Thủ tướng hướng xử lý đối với trên 6.456 container rác còn tồn đọng tại các cảng biển của Việt Nam. Trong số này có hơn 2.300 container hàng hóa đã qua sử dụng; số còn lại là các lô hàng phế liệu (chứa giấy vụn, nhựa phế liệu…).
Theo đó, Bộ này đề xuất Thủ tướng giao lực lượng chức năng khẩn trương hoàn thành việc phân loại container; thống kê số lượng; hãng tàu vận chuyển; quốc gia xuất khẩu các lô hàng phế liệu còn tồn đọng.
Ngoài ra, Bộ Tài nguyên Môi trường cũng đề xuất rà soát; cung cấp danh sách các tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu vi phạm quy định nhưng không thực hiện tái xuất, làm căn cứ để cơ quan chức năng xử lý theo quy định.
Xuất trả phế liệu gây ô nhiễm môi trường bằng cách nào?
Lãnh đạo Vụ quản lý chất thải cho rằng, sau khi có kết quả phân loại nêu trên. Chính phủ có thể giao Tổng cục Hải quan bán đấu giá các container thuộc nhóm phế liệu có thể làm nguyên liệu sản xuất. Đối với nhóm container là chất thải nguy hại thì đề nghị Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các hãng tàu xuất trả ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. “Nếu họ không xuất trả thì sẽ không cấp phép cho các hãng tàu này vào Việt Nam”, vị này nói.
Tiếp Thị Gia Đình