Hội thảo vận động chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe trình bày về Tổng quan về tình hình dịch HIV/AIDS tại TP. HCM; Tổng quan luật pháp chính sách về chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV ở Việt Nam; Kết quả nghiên cứu đánh giá mức độ kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV ở Việt Nam năm 2014 và Quy chế số 1192/QC−BYT−BTP ngày 01−12−2014 giữa Bộ Y tế và Bộ Tư pháp trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, hỗ trợ và trợ giúp pháp lý cho người nhiễm HIV.
Theo ông Đỗ Xuân Thụy, đại diện Cục Phòng chống HIV/AIDS: Trong năm 2013, nghiên cứu cho thấy có đến 30% học sinh ở các tỉnh khu vực Tây Bắc có sự phân biệt đối xử với người nhiễm HIV. Trong khi đó, kết quả một khảo sát mới đây vào năm 2014 cho biết có đến 44,3% các nhân viên y tế ở các tỉnh Yên Bái, Thái Bình có sự phân biệt đối xử với người nhiễm HIV.
Ông Thụy nói thêm, những người nhiễm HIV ở Việt Nam không chỉ bị người thân, cộng đồng phân biệt đối xử và kỳ thị mà chính bản thân người nhiễm HIV cũng kỳ thị mình.
Phát biểu tại hội thảo, tiến sỹ Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS khẳng định, sự kỳ thị và phân biệt đối xử hiện nay tuy đã giảm nhưng thực chất vẫn còn tồn tại dưới nhiều hình thức trong cuộc sống. Ông cho rằng sự kỳ thị, cấm đoán, phân biệt đối xử chính là một trong những nguyên nhân làm gia tăng dịch bệnh HIV/AIDS, làm cản trở việc Việt Nam kết thúc đại dịch vào năm 2030 và cần phải được xóa bỏ.
Cục phòng chống HIV/AIDS đã đưa ra hình thức xử lý đối với hành vi phân biệt đối xử và kỳ thị người nhiễm HIV. Theo đó, những người có hành vi kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS sẽ bị phạt từ 10 đến 20 triệu đồng. Bên cạnh đó, người nhiễm HIV cũng được tư vấn, truyền thông để gia tăng nhận thức về quyền hòa nhập cuộc sống cộng đồng, vốn được pháp luật hiện hành bảo hộ.
Việt Nam đang hướng tới mục tiêu 90−90−90 và hướng tới kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030. Chi tiết hơn, mục tiêu này bao gồm ba tiêu chí được kỳ vọng đạt được vào năm 2020: 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng của mình; 90% người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV; 90% người đang điều trị ARV đạt dưới ngưỡng lây nhiễm.
Tiếp Thị Gia Đình