Việt Nam đạt được lợi ích gì sau đàm phán TPP?

Sau đàm phán TPP (Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương), Việt Nam đã đạt được những lợi ích cốt lõi trong định hướng hội nhập thế giới

Việt Nam có khoảng 10 năm nữa để chuẩn bị cho áp lực sức ép thuế 0% cho các sản phẩm chăn nuôi sau đàm phán TPP. Ảnh: Internet

Trưởng đoàn đàm phán TPP của Việt Nam, ông Trần Quốc Khánh cho biết những đánh giá thông tin ban đầu đã được Bộ Công thương công bố khá chi tiết. Việt Nam đã kiên trì đàm phán và đạt được những lợi ích cốt lõi với các cam kết phù hợp với định hướng hội nhập kinh tế thế giới.

Những lợi ích sau đàm phán TPP

– Ngành dệt may: Đến 70% tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành sang các thị trường trong TPP. Thị phần ngành có thể tăng gấp đôi khi gia nhập TPP.

– Ngành dịch vụ: TPP mang lại quyền tiếp cận tự do cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ.

– Hàng da giày: Dòng thuế xuất nhập khẩu hàng da giày từ 3,5% đến hơn 57,4% sẽ về mức 0%.

– Lợi ích cho người tiêu dùng: TPP mang đến kỳ vọng về một môi trường kinh doanh cạnh tranh với hàng hoá và dịch vụ giá rẻ hơn, chất lượng tốt hơn

– Cơ hội xuất khẩu các sản phẩm chủ lực của Việt Nam: thủy sản, đồ gỗ,…

– Cơ hội việc làm: TPP tạo ra cơ hội việc làm cho hơn 6 triệu lao động trong ngày dệt may đến năm 2025.

– Cơ hội tăng GDP: Việt Nam có cơ hội tăng thêm 35,7 tỷ USD, tương đương 10,5% đến 2015 (theo nghiên cứu của Trung tâm Đông – Tây, Hoa Kỳ).

Một số khó khăn sau đàm phán TPP

Trong ngành nông nghiệp, Việt Nam chịu sức ép khá lớn với mức thuế đưa về 0%, đặc biệt là thịt lợn và thịt gà. Một số nông sản khác có thể gặp khó khăn ở mức độ nhẹ hơn. Bộ Công thương cho rằng các mặt hàng trong nước cũng đã quen với cạnh tranh thị trường như sữa, đậu tương, ngô, nguyên liệu sản xuất thức ăn gia súc…

Về ngành công nghiệp, Bộ Công thương nhận thấy Việt Nam có thể gặp khó khăn với các sản phẩm như thép, giấy và ô tô. Ông Khánh cho biết, sản phẩm trong nước thường nhắm đến phân khúc thị trường trung bình, trong khi các nước TPP lại có xu hướng nhắm đến phân khúc thị trường cao cấp nên sức ép cạnh tranh là không lớn.

Trong lĩnh vực thương mại của cơ quan chính phủ, ông Khánh cho biết các nước về cơ bản đã cam kết không áp dụng biện pháp ưu tiên nhà thầu, hàng hóa và các dịch vụ trong nước mà sử dụng hình thức đấu thầu quốc tế để chọn nhà thầu.

Ông Khánh khẳng định tác động của đàm phán TPP đối với nhiều ngành sẽ không đến ngay lập tức mà theo một lộ trình lâu dài. Chúng ta có khoảng 10 năm nữa để chuẩn bị cho áp lực sức ép thuế 0% trong ngành chăn nuôi.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp có thể gặp khó khăn dẫn đến thực trạng thất nghiệp khi cạnh tranh tăng. Tuy nhiên, ngoại trừ một số nông sản, phần lớn các nền kinh tế TPP không cạnh tranh trực tiếp do cơ cấu mặt hàng xuất khẩu khác với Việt Nam. Theo Bộ Công thương, những tác động của đàm phán TPP đến Việt Nam chỉ mang tính cục bộ và ngắn hạn với quy mô không đáng kể.

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua