Viêm loét dạ dày có nguy hiểm không?

Anh trai của Lan Hương bị viêm loét dạ dày, dù có uống thuốc và ăn uống đầy đủ nhưng khong thuyên giảm. Bác sĩ Thục Đoan Trung tâm Truyền thông – Giáo dục sức khỏe TP. HCM sẽ trực tiếp tư vấn vấn đề này

HỎI: Chào bác sỹ, anh trai tôi 23 tuổi, lúc trước đã đi khám và phát hiện bị loét dạ dày, bác sỹ có chích mấy mũi và khuyên ăn uống điều độ. Tuy nhiên, từ đầu năm đến giờ, anh ấy vẫn hay bị đau dù ăn ba bữa/ngày, nhẹ thì chừng một buổi là hết đau (không có uống thuốc), nặng thì 1–2 ngày. Tôi có khuyên anh đi khám lại, nhưng anh không đồng ý. Mong bác sỹ cho tôi lời khuyên.

Chị Lan Hương, Củ Chi

ĐÁP: Bạn thân mến, viêm loét dạ dày – tá tràng là một bệnh đường tiêu hóa rất thường gặp. Trước mắt, bệnh không nguy hiểm, không ảnh hưởng đến tính mạng, nhưng về lâu dài, nếu không được điều trị triệt để hoặc bệnh tái phát nhiều lần sẽ gây khó chịu và ảnh hưởng cuộc sống của người bệnh và có thể gây ra các biến chứng: chảy máu đường tiêu hóa, hẹp môn vị, thủng ổ loét hoặc ung thư hóa dạ dày….

Hiện tại, bệnh chưa có vaccine phòng ngừa. Cách dự phòng bệnh hiệu quả nhất là tránh lây nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori (gọi tắt là vi khuẩn HP), vì 50-70% trường hợp viêm loét dạ dày – tá tràng là do vi khuẩn HP gây ra. Vi khuẩn HP là loại vi khuẩn sống ở niêm mạc dạ dày, có thể lây truyền từ người bệnh sang người lành bằng đường ăn uống, thông qua nước bọt.

Vì vậy, có thể phòng tránh lây nhiễm vi khuẩn HP bằng các biện pháp cụ thể sau: không dùng chung chén/ly/đũa/muỗng, không dùng chung chén nước chấm, không nhai bón cơm cho trẻ, không dùng thức ăn chưa nấu chín, rửa sạch rau sống… Ngoài ra, để phòng ngừa viêm loét dạ dày tá tràng thì chúng ta cần cân bằng cuộc sống, tránh căng thẳng, không buồn phiền, có chế độ sinh hoạt điều độ, tránh thức khuya, chế độ ăn đúng giờ, đúng bữa, không bỏ bữa ăn, tránh các loại thức ăn nhiều gia vị, chua, cay, tránh rượu bia, thuốc lá, cà phê, không lạm dụng thuốc kháng viêm, giảm đau.

Trường hợp của anh bạn đã được chẩn đoán là loét dạ dày và chưa được điều trị triệt để, nên thường xuyên tái phát. Cách tốt nhất hiện nay là bạn nên khuyên anh mình đến cơ sở y tế có chuyên khoa Tiêu hóa, được bác sĩ chẩn đoán lại chính xác tình trạng viêm loét của dạ dày và xác định nguyên nhân để được điều trị triệt để tình trạng bệnh. Song song đó, anh bạn nên áp dụng các biện pháp phòng bệnh như đã nêu trên để hạn chế tối đa tình trạng tái phát của căn bệnh này, phòng các biến chứng nguy hiêm của bệnh có thể xảy ra..

Mến chúc anh bạn mau hết bệnh.

(BS–CKI. Nguyễn Lê Thục Đoan, Trung tâm Truyền thông – Giáo dục sức khỏe TP. HCM)


Nếu có bất cứ thắc mắc nào về vấn đề sức khỏe, bạn đừng ngại viết câu hỏi vào khung bên dưới và gửi cho Tiếp Thị Gia Đình. Các bác sỹ của chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp.

  • Bạn vui lòng cung cấp thông tin chính xác để tạp chí Tiếp Thị Gia Đình có thể liên lạc với bạn nhanh nhất nếu tình huống và/hoặc câu giải đáp của bạn được chọn đăng trên tạp chí.

Mục Sức khỏe / Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua