Theo các chuyên gia y tế, vaccine là chìa khóa quan trọng để chống lại virus Corora gây nên đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, không ít trường hợp đã được chích vaccine và vẫn mắc bệnh. Vì sao đã chích vaccine vẫn nhiễm Covid-19?
5 lý do vì sao đã chích vaccine vẫn nhiễm Covid-19
Vaccine không bảo vệ bạn hoàn toàn
Theo nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, các loại vaccine Covid-19 cho hiệu quả cao, nhưng không là tuyệt đối. Ví dụ, vaccine của Pfizer/BioNTech hoặc Moderna có khả năng bảo vệ khoảng trên 90%; vaccine AstraZeneca là hơn 70%. Con số này chỉ đạt được trong trường hợp đã chích đủ liều sau 2–3 tuần. Điều này có nghĩa là không phải 100% người được chích vaccine sẽ hoàn toàn miễn nhiễm với virus.
Vaccine kém hiệu quả hơn trước biến chủng mới
Hiện nay, có 4 biến chủng virus SARS-CoV-2 được WHO xếp vào nhóm đáng quan ngại. Đó là Alpha, Beta, Gamma và Delta. Trong đó, biến chủng Delta được đánh giá nguy hiểm nhất và là chủng thống trị trên toàn cầu bởi khả năng lây lan cao.
Một nghiên cứu ở Anh đăng trên tạp chí NEJM đã cho thấy đối với chủng Delta, hiệu lực của vaccine Pfizer vẫn còn 88% và AstraZeneca là 67%. Trong dữ liệu ở Massachusetts, Mỹ, cũng cho thấy là hầu hết người đã chích vaccine đầy đủ không nhập viện và không có ca tử vong nào. Xét trên toàn nước Mỹ, tỷ lệ khoảng 97% số ca nhập viện mới và 99,5% số ca tử vong do Covid-19 nằm trong số những người không chích ngừa.
Như vậy, vaccine phát huy khả năng không cho bệnh trở nặng, giảm rõ rệt nguy cơ nhập viện và tử vong. Nhưng không hoàn toàn đảm bảo bạn sẽ không nhiễm.
>>Xem thêm: 2 loại vaccine mới vừa được Bộ Y tế Việt Nam cấp phép sử dụng
Chưa đủ thời gian kích hoạt hệ miễn dịch
Các thử nghiệm lâm sàng cho thấy sau 4 tuần kể từ mũi chích đầu tiên (đối với loại 2 mũi), vaccine Covid-19 đã có thể bảo vệ, giúp giảm nguy cơ phải nhập viện. Hai tuần sau mũi thứ 2, cơ thể đã tạo được khả năng miễn dịch chống lại virus SARS-CoV-2.
Sau mũi vaccine đầu tiên, cơ thể cần thời gian 2-3 tuần để kích hoạt hệ thống miễn dịch. Do đó, trong thời gian này, nguy cơ lây nhiễm vẫn rất cao. Nhiều báo cáo ghi nhận bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 sau liều đầu tiên. Kể cả khi đã đủ 2 liều, họ vẫn có khả năng bị nhiễm bệnh dù xác suất này không nhiều.
Hệ miễn dịch không đáp ứng
Hệ miễn dịch của mỗi người không giống nhau. Khả năng thích ứng với vaccine không cao thường rơi vào nhóm người có hệ miễn dịch bị suy giảm, người vừa phẫu thuật ghép tạng, mắc ung thư, hoặc có khiếm khuyết về sự phát triển của tế bào miễn dịch… Những trường hợp này thường có mức độ bảo vệ từ vaccine thấp hơn hoặc suy yếu nhanh hơn. Dù đã chích đủ 2 mũi, họ vẫn cần cân nhắc để chích mũi thứ 3.
>>Xem thêm: Phát hiện mới về miễn dịch và kháng thể chống Covid-19
Lơ là, chủ quan và thiếu ý thức phòng chống dịch
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, chích vaccine Covid-19 là biện pháp phòng bệnh chủ động rất quan trọng. Tuy nhiên, người đã được chích vaccine vẫn rất cần ý thức được tầm quan trọng của việc hạn chế các hành vi nguy cơ; đồng thời thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo quy định. Trong đó có 5K: Khẩu trang – khử khuẩn – khoảng cách – không tập trung – khai báo y tế.
Tiếp Thị Gia Đình