Vì sao nhạc kịch đang lên ngôi tại Việt Nam?

Nhạc kịch du nhập vào Việt Nam vài năm trước, song vẫn chưa tạo được dấu ấn cho sự hiện hữu. Đến khi vở nhạc kịch thuần Việt đầu tiên ra đời, mọi thứ dần thay đổi khác đi

Nhạc kịch là hai từ gợi đến sự cao sang, hàn lâm với đại đa số người Việt Nam. “Nhạc kịch chắc rất khó nghe, khó xem và chỉ dành cho những người cao siêu?”, sẽ không ít người nghĩ như thế. Đó là chuyện của ngày xưa khi nhu cầu thưởng thức và cả nhu cầu thể hiện chưa cao như bây giờ. Hồi đó chưa có Facebook, người ta chỉ cần mặc áo, xách túi có in logo Versace, D&G rõ to và chạy xe tay ga là đủ để tối về ngủ ngon – nhạc kịch mà làm gì? Ấy vậy mà thời thế thay đổi nhanh đến chóng mặt. Nhạc kịch thời nay còn sang hơn cả hàng hiệu! Trước khi bàn đến vấn đề hay ho, hấp dẫn của nhạc kịch, chúng ta cùng lý giải vì sao vài năm gần đây, nhạc kịch dường như lên ngôi tại Việt Nam.

Sính ngoại nhưng có sính hay?

Trước hết, chúng ta phải khẳng định dân Việt Nam cực kỳ chuộng ngoại, hình thức và có nhu cầu chứng tỏ bản thân mình bằng mọi cách. Điện thoại đời mới, danh ca quốc tế về Việt Nam biểu diễn, hàng hiệu, thiền, yoga, mật tông Tây Tạng…, bất cứ điều gì giúp cho bản thân trở nên thời thượng, sành điệu, trí thức đều được dân ta khai thác triệt để. Mọi thứ ghê gớm từ thế giới phục vụ cho nhu cầu người Việt: khoe khoang trên Facebook. Và nhạc kịch cũng nằm trong chuỗi sản phẩm hay ho có thể phục vụ cho việc nâng cao vị thế bản thân khi post hình đi xem nhạc kịch trên trang Facebook cá nhân.

nhạc kịch hình ảnh 1

Cần nhớ rằng, bạn mua được cái xe, cái túi xịn thì có cả ngàn người nhiều tiền hơn bạn sẽ mua những thứ xịn hơn thế. Chạy đua vật chất vừa chông gai vừa mệt mỏi lại còn hay bị kẻ khác xỉa xói là trọc phú. Tuy nhiên, nếu bạn đầu tư cho văn hóa, cho những thứ đại khái là phi vật thể mà UNESCO cũng phải công nhận là “đẳng cấp” thì lại rất sang. Cái sang này vi diệu vô cùng. Phú không khó, quý mới khó. Giàu không khó, sang mới khó. Chính vì thế, musical ở góc độ nào đó đã đánh trúng tâm lý sính ngoại, và tâm lý “khát” đẳng cấp của dân thành thị Việt Nam.

Tâm lý cứ Tây mới hay, nhạc Tây mới xịn cũng là một chiều kích khiến nhạc kịch quốc tế và các phiên bản Việt hóa được chào đón. Góc phố danh vọng, Đêm hè sau cuối là hai vở nhạc kịch được Việt hóa từ những yếu tố quốc tế, đã bắt đầu ghi dấu ấn khái niệm thưởng thức mới cho danh mục giải trí tại Việt Nam. Thế còn nhạc kịch cổ điển như Cây sáo thần từng oanh liệt trình bày tại sao người ta quên ngay. Vì chỉ có mỗi vài trăm người có nhu cầu đến nghe. Nó thực sự kén khán giả. Và nghệ thuật hàn lâm của chúng ta còn cách cột mốc xã hội hóa có lẽ cả trăm năm nữa. Vở Đêm hè sau cuối phải mở thêm 4 đêm diễn so với 6 đêm như dự kiến. Còn vở Góc phố danh vọng vé đã được bán hết trước hàng tuần lễ. Nguyễn Phi Phi Anh – một đạo diễn sinh năm 1991 kiêm tác giả kịch bản và nhà sản xuất, đã làm nên kỳ tích khi có thể kéo khán giả tới rạp.

Nói nghiêm túc thì cả hai vở diễn đều nhạt, nhưng khán giả lại rất thích vì yếu tố biểu hiện đa sắc, mới mẻ so với những gì họ từng mua vé xem. Hai vở diễn này bị Tây hóa hoàn toàn trong cách biểu hiện, có chút “lệch tâm sinh lý” với người Việt. Nhưng chính sự mới lạ và cả ngây ngô khiến chúng  rất dễ xem, dễ hiểu và phù hợp để kẻ đi xem trước thấy hay hay quyết định rủ bạn đi xem lại. Đó cũng là một nhu cầu biểu hiện về mặt giàu có trong hiểu biết và chia sẻ.

chuyen-tinh-nang-giang-huong-bolero-hinh-anh-2

Thực ra, sính ngoại hay không không quan trọng. Quan trọng là điểm trúng huyệt của thị trường và thị phần. Nếu nhạc kịch có thể làm hấp dẫn và lôi kéo khán giả thì từ từ những chuẩn mực khác sẽ đến và sẽ hay.

Nhạc kịch Chuyện tình nàng Giáng Hương sẽ tái ngộ khán giả bằng 4 đêm diễn 11,12,13,14–7 tại Nhà hát Thành phố

Nhạc kịch thuần Việt – con đường kiêu hãnh

Tháng 10–2016, nhạc kịch Chuyện tình nàng Giáng Hương bất ngờ ra mắt công chúng, trọn vẹn vẻ đẹp của văn hóa Việt, nghệ thuật Việt và tâm thế của kẻ sẵn-sàng-hội-nhập. Nhạc kịch thuần Việt, của người Việt hoàn toàn là một thách thức lớn với bất cứ ê-kíp nào. Sự nỗ lực của nhà sản xuất Việt ở đây chính là thái độ trong văn hóa và sự can đảm dám làm của kẻ tiên phong. Nhiều người yêu thích và cũng không ít người soi xét chê bai. Nhưng, đây là thời điểm nhà sản xuất phải đặt niềm tin vào công chúng và công chúng cũng đặt niềm tin vào nhà sản xuất – nếu muốn phát triển, làm cái mới, thoát khỏi lối mòn và hội nhập văn hóa.

Tại sao lại cần can đảm khi làm nhạc kịch thuần Việt? Công chúng sính ngoại và bài nội. Nhà sản xuất cần thuyết phục công chúng, chịu lỗ và dám làm nghiêm túc. Làm những cái mới, những cái lớn ở Việt Nam rất khó. Khó vì chính đồng nghiệp, người trong giới sẽ ngáng chân cản đường. Kẻ tiên phong dẫu cố công bao nhiêu cũng sẽ bị chế giễu và ném đá không thương tiếc. Một xã hội chưa phát triển nhưng chính giới tinh hoa lại thích kéo nhau xuống và chia rẽ sâu sắc.

chuyen-tinh-nang-giang-huong-bolero-hinh-anh-3

Để nghe, để hiểu nhạc kịch không quá khó, chỉ cần bạn muốn học, muốn hiểu. Nhưng giữa nghe hiểu và làm một vở nhạc kịch từ A-Z lại là một vấn đề lớn hơn nhiều. Đạo diễn Trần Nguyễn Thiên Hương cùng cả trăm con người quên ăn, quên ngủ, tập nhạc, tập nhảy múa, tranh cãi nảy lửa… suốt thời gian dài để có được những giây phút chắt chiu nhất trên sân khấu, để âm nhạc và nghệ thuật vỡ òa trong chuyện tình Từ Thức – Giáng Hương.

Khó là vậy nhưng nhạc kịch thuần Việt này đã có suất diễn chính thức tại Nhà hát lớn thành phố – thánh đường của nghệ thuật Sài Gòn. Kỳ lạ là một lượng lớn khán giả đã tỏ lòng ái mộ trung thành và đi coi lại nhiều lần vở nhạc kịch này. Đó là một tín hiệu đáng mừng khi những nỗ lực thuần Việt được chính người Việt đón nhận.

So sánh là điều khó tránh khỏi. Nhưng những bước chân đầu tiên có thể mở ra cả thế giới. Nơi vạch xuất phát, người ta mạnh nhất vì không có giới hạn cho những khát vọng chinh phục. Thuần Việt một món giải trí cao cấp của thế giới, đó chẳng phải là món siêu mới sao? Công chúng sẽ đón nhận và sản sinh ra một thế hệ công chúng cầu kỳ trong thưởng thức nghệ thuật ở tương lai gần. Đó là con đường đầy kiêu hãnh của nhạc kịch thuần Việt. Được biết, nhà sản xuất nhạc kịch Chuyện tình nàng Giáng Hương tiết lộ sẽ tung ra vở mới với dòng nhạc Bolero là chủ đạo! Hãy chờ xem!

Bài: Nguyễn Hậu

Ảnh: Anh Dũng

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua