Bé Bo ba tuổi, con của chị Hải Yến, Hà Nội, rất thích uống sữa tươi. Một ngày bé có thể uống từ 6 đến 7 cốc sữa tươi nhưng không thích hoặc không uống sữa bột pha hay nước lọc. Chị Yến phân vân không biết bé uống như vậy có quá nhiều và có tốt không? Dưới đây là những giải đáp của Tiếp Thị Gia Đình.
SỮA TƯƠI KHÁC SỮA BỘT NHƯ THẾ NÀO?
Sữa tươi là sản phẩm sữa được vắt trực tiếp từ bò sữa hoặc dê. Nguồn sữa này sau khi vắt sẽ được mang đi thanh trùng hay tiệt trùng nhằm làm chết vi khuẩn hoặc ức chế mầm bệnh. Sữa bột là sữa tươi đem chưng cất để bay hơi nước. Sau đó, sản phẩm được tiệt trùng, bổ sung một số chất cho phù hợp.
Xét về hàm lượng dinh dưỡng, sữa tươi không giàu dinh dưỡng bằng sữa bột. Sữa bột có sự cô đặc hơn, có thể điều chỉnh nồng độ đạm, béo theo ý muốn của nhà sản xuất hoặc thêm một số chất như choline, taurine, DHA nhằm giúp bé thông minh và khỏe mạnh hơn.
Song, khi xét về các hoạt tính sinh học ngoài năng lượng, sữa tươi lại có lợi hơn sữa bột. Ví dụ như sữa tươi bổ sung kháng thể để tăng cường hệ miễn dịch, các chất chống ô-xy hóa giúp làm đẹp da.
Thông thường, sữa tươi chứa các a-xít amin chưa bị biến tính vì không qua công đoạn phơi, sấy, cô đặc và các a-xít amin này thể hiện hoạt tính sinh học như trên.
TẠI SAO KHÔNG THỂ UỐNG SỮA THAY CƠM?
Sữa tươi vốn ngọt thanh, mát, không có mùi nhân tạo, không ngấy nên rất dễ uống. Vì thế, trẻ thường rất thích uống sữa tươi. Nhiều bà mẹ còn kể rằng con mình không uống nước lọc chỉ thích uống sữa.
Trên nguyên tắc, sữa có nước, khoảng 60% sữa là nước nên uống sữa là uống nước. Nếu bé có thể uống sữa thay nước thì bạn cứ cho bé uống, hoàn toàn không lo biến chứng hoặc có sự cố gì khác xảy ra. Duy chỉ có điều bạn cần chú ý, sữa tươi dễ làm no bụng, dễ làm thỏa mãn vị giác của bé do có độ ngọt và béo nhất định. Vì thế, nếu bạn cho bé uống sữa tươi nhiều quá, bé sẽ không thích ăn cơm. Việc cho bé uống tăng lượng sữa, giảm lượng cơm là điều không tốt.
Có thể lý giải điều này là dù bé có uống sữa tươi giỏi đến mức nào cũng không thể cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng tối thiểu như chất bột đường, protein, chất béo, dẫn đến việc bé sẽ bị thiếu hụt các chất này. Thêm vào đó, việc uống quá nhiều sữa tươi và giảm lượng cơm đã vô tình làm giảm chức năng của các cơ quan trong cơ thể như gan, mật, tụy. Hệ tiêu hóa của bé cũng dần nhỏ lại. Đây là một sự phát triển không bình thường.
Để cân bằng lượng dinh dưỡng đầy đủ, bạn phải duy trì chế độ ăn của bé đảm bảo đầy đủ các chất bột đường, đạm, béo, khoáng chất và vitamin. Bên cạnh đó, bạn có thể cho bé uống một ngày 3–4 cốc sữa và trong đó chỉ có từ 2–3 cốc sữa tươi. Bé có thể uống sữa vào các thời điểm như: dùng một cốc sữa tươi sau bữa sáng, giữa buổi sáng và buổi xế chiều, một cốc sữa bột sau bữa ăn tối.
CÁCH ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG SỮA TƯƠI
Thị trường hiện có rất nhiều thương hiệu và thể loại sữa tươi. Để nhận biết sữa tươi đạt chuẩn, tránh mua phải sữa giả mạo & kém chất lượng, bạn hãy thử những bước sau:
♦ Sữa tươi thường có mùi thơm đặc trưng của sữa bò và có màu trắng đục hoặc hơi hanh vàng. Nếu sữa tươi bạn rót ra có mùi chua, hôi hoặc có màu bất thường thì đó là sữa tươi không an toàn và nên đổ đi.
♦ Sữa tươi thường có vị ngọt thanh, mát, dịu. Nếu sữa tươi bạn uống lại quá ngậy, béo hay quá ngọt là sữa tươi đã gia công cho thêm đường. Sữa tươi quá nhạt, uống không thấy có vị gì là sữa tươi bị pha loãng.
♦ Khi mua sữa tươi cho gia đình, bạn chọn loại có thể tích phù hợp. Sữa tươi đã mở ra rất nhanh hỏng, dù để trong tủ lạnh. Vì thế, bạn chỉ nên mua bình từ 1–2 lít để uống hết trước khi mua mới.
Tiếp Thị Gia Đình