Vì sao dân mạng tranh cãi gay gắt về bản đồ ô nhiễm không khí?

Mới đây, bản đồ ô nhiễm không khí do đại học Yale (Mỹ) thống kê được tạp chí Forbes dẫn lại đã gây ra tranh cãi gay gắt về sự ô nhiễm giữa các vùng miền ở Việt Nam. Vì sao lại như vậy?

Với những số liệu thu thập được, mới đây Đại học Yale (Mỹ) đã công bố bản đồ ô nhiễm không khí của các nước trên giới. Theo đó, chất lượng không khí của Việt Nam đạt 54,76/100 điểm, xếp hạng thứ 170/180 nước nghiên cứu.

Từ thông tin này, tạp chí Forbes Việt Nam dẫn lại bằng một bản đồ thể hiện màu. Màu đỏ và đỏ sẫm được dùng để biểu thị khu vực bị ô nhiễm không khí nặng. Trong đó, thủ đô Hà Nội và các tỉnh thành lân cận ở phía Bắc bị ô nhiễm nặng nhất. Mức độ ô nhiễm giảm dần từ khu vực miền Trung cho đến tận mũi Cà Mau.

Ngay khi bản đồ ô nhiễm không khí được đăng tải, nhiều cư dân mạng đã phản ứng gay gắt vì cho rằng các tỉnh miền núi phía Bắc không có nhiều nhà máy, xí nghiệp nên không khí sẽ trong lành hơn khu vực các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Bên cạnh đó, nhiều người tỏ ra nghi ngại về tính chính xác của bản đồ này vì cho rằng TP. HCM đầy khói bụi và nhà máy nhưng mức độ ô nhiễm lại thể hiện tương đối thấp.

Để làm sáng tỏ cho vấn đề này, GS.TS Phạm Ngọc Đăng, Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam cho biết, Đại học Yale đã đánh giá mức độ nhiễm theo quy định của Mỹ. Nếu một trong những chất cơ bản bị ô nhiễm, họ sẽ đánh giá chung là không khí bị ô nhiễm. Riêng ở Việt Nam và một số nước khác, việc đánh giá mức độ ô nhiễm phải đánh giá chung từ mức độ ô nhiễm các chất đó cộng lại.

ban-do-o-nhiem-khong-khi-hinh-anh-2

Bản đồ đang gây tranh cãi về mức độ ô nhiễm giữa các khu vực

Vì thế, chính sự khác biệt về tiêu chí đánh giá khiến cho nhiều người cảm thấy bối rối và nghi ngờ độ tin cậy của bản đồ do Đại học Yale công bố.

Cũng theo GS.TS Phạm Ngọc Đăng: “Việt Nam chưa bị ô nhiễm trầm trọng nhưng ô nhiễm bụi như ở Hà Nội và một số tỉnh khác của nước ta bị rất nặng”. Mới đây, vào đầu tháng 3-2016, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội đã ghi nhận chỉ số chất lượng không khí đang ở mức nguy hiểm. Đồng thời, trạm quan trắc môi trường tự động của Tổng cục Môi trường cũng đã cảnh báo rằng đã có sự xuất hiện của thủy ngân trong không khí tại thủ đô Hà Nội.

Trên thực tế, chẳng cần đến bản đồ ô nhiễm không khí, mỗi chúng ta đều có thể cảm nhận rất rõ về tình trạng ô nhiễm không khí hiện nay, đặc biệt là ở các thành phố lớn và khu vực lân cận khu công nghiệp.

Nguồn ô nhiễm ở nước ta hiện nay chủ yếu đến từ khói bụi, CO2 và một số loại khí khác như SO2, NOx… Hai tác nhân chính gây ra tình trạng này là khí thải từ phương tiện cơ giới và hoạt động sản xuất công nghiệp. Trong đó, 70% tác nhân gây ô nhiễm không khí đến từ khí thải của các phương tiện giao thông.

Với những tác động tiêu cực này, ngày càng có nhiều người mắc các chứng bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ. Các triệu chứng ngắn hạn bao gồm kích ứng mũi, họng, gây viêm phế quản, viêm phổi.

Đối với người vốn đã có tiền sử bệnh tim, phổi, bụi sẽ khiến bệnh trầm trọng hơn, gây ra tử vong. Nếu tiếp xúc với bụi trong thời gian dài sẽ sinh ra các biến chứng khủng khiếp như bệnh hô hấp mãn tính, ung thư phổi, bệnh tim, tác động xấu đến não, dây thần kinh, gan và thận.

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua