Ảnh chỉ mang tính chất minh họa
Để có cái nhìn khách quan, Tiếp Thị Gia Đình đã thực hiện một cuộc khảo sát về các môn xã hội như Văn, Sử, Địa, Giáo dục công dân với 72 người trong độ tuổi 10–25, trong đó 46,3% là học sinh phổ thông. Từ góc nhìn của những người đã và đang học, chúng tôi phát hiện ra học sinh không ghét môn học, nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà họ chán học.
“CÔ ƠI, EM CHÁN!”
Em Đỗ Văn Sơn (học sinh lớp 5, Hà Nội) kể về giờ học Sử: “Cô đứng trên bảng, ghi hết bài có sẵn trong sách giáo khoa rồi tụi em cứ thế chép vào, học thuộc. Thi thì học theo đề cương. Em học xong, thi xong có nhớ gì đâu”. Chị Nguyễn Bích Hà, phụ huynh của em Sơn, cũng trăn trở về việc học Sử của con: “Tôi nhớ ngày xưa, cô giáo tôi dạy môn này rất dễ hiểu, dễ ngấm, mặc dù trang thiết bị thiếu thốn, không được hiện đại như bây giờ. Giờ tôi thấy con học thật vất vả, nhất là khi thi học kỳ. Học Sử nhưng các con không được đi thăm những địa danh lịch sử nổi tiếng, gần gũi với Hà Nội như chùa Một Cột, Văn Miếu – Quốc Tử Giám mà chỉ toàn nhớ số binh lính, trận đánh…”. Nói về các tiết Văn, em Đỗ Thùy Linh (lớp 7, Hà Nội) cho biết em thường buồn ngủ trong giờ học vì cô cứ đọc đều đều và trò cứ thế chép. Một em khác cho biết đã từng thấy cuốn giáo án môn Văn cũ mèm được cô giáo dùng đi dùng lại, hỏi các anh chị khóa trước thì phát hiện ra bài giảng năm nào cũng giống y chang. Có em chỉ vì dám phản biện lại cô giáo dạy môn Giáo dục công dân mà bị cô tìm mọi cách trù dập.
VÌ ĐÂU NÊN NỖI?
Cô Phạm Thị Phương, giáo viên dạy Sử trường THPT Nguyễn Viết Xuân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, nhìn nhận học sinh ngày nay sợ học Sử hay nói đúng hơn là chán ghét. Cô phân tích: “Vấn đề nằm ở chỗ, dung lượng kiến thức quá lớn, học sinh phải học lịch sử Việt Nam và thế giới từ thời cổ đại đến nay bao hàm mọi mặt của xã hội loài người cùng với vô vàn mốc thời gian và sự kiện cần ghi nhớ. Đây là áp lực lớn đối với người dạy. Đã có nhiều cách dạy được áp dụng như dạy học dự án, dạy học nêu vấn đề… nhưng dạy kiểu gì cũng vẫn cần có quỹ thời gian rộng hơn cho người dạy và người học.
Mặc dù Bộ Giáo dục đã giảm tải chương trình, nhưng thiết nghĩ đây chỉ là cách tháo gỡ tạm thời bằng cách cắt xén chương trình chứ không phải là giải pháp khoa học và không đáp ứng mục tiêu giáo dục lịch sử. Gần đây, Bộ còn cho phép các trường phổ thông được quyền tự chủ trong việc lập kế hoạch giảng dạy các bộ môn, trong đó có môn Sử sao cho phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương. Tuy nhiên, chủ trương trên lại chưa được triển khai rộng rãi ở các trường phổ thông. Nếu ở đâu đó có triển khai thì cũng không tránh khỏi sự bỡ ngỡ, xáo trộn, bất cập từ khâu quản lý đến khâu tổ chức dạy học”.
Một giáo viên dạy Sử khác cho biết ban đầu mới nhận lớp, cô cũng chịu khó làm sinh động bài giảng bằng cách chiếu phim lịch sử cho học sinh xem. Tuy nhiên, với khối lượng kiến thức quá lớn, về sau cô đành bỏ phương án dạy đó, quay về lối học “chay” cho an toàn. Trao đổi với chúng tôi, cô Nguyễn Thị Hoài, nguyên Hiệu trưởng trường THCS Thành Công, Khoái Châu, Hưng Yên, đã chỉ ra cách phân bổ kiến thức trong sách giáo khoa còn nhiều bất cập. “Đưa văn nghị luận vào giảng dạy ở lớp 7 là hơi sớm so với tâm hồn non nớt, thơ ngây của các em.
Chẳng hạn như bài “Ý nghĩa văn chương” (sách giáo khoa Ngữ văn 7) của Hoài Thanh là một bài nghị luận tiêu biểu, mẫu mực, dùng để minh họa cho phần lý thuyết văn nghị luận nhưng nội dung rất trừu tượng, rất khó đối với các em học sinh lớp 7. Văn nghị luận nên vào chương trình lớp 8, lớp 9 thì phù hợp hơn.
Ngược lại, có những tác phẩm rất hay về tình thầy trò, tình yêu giữa con người với loài vật, với thiên nhiên… thì bị cắt bỏ. Truyện ngắn Xin cô tha lỗi cho chúng em của nhà văn Nga Bondarev (Nguyễn Hào dịch) rất xúc động về người thầy, người cô đã âm thầm theo sát từng bước trưởng thành của học sinh, rồi Con voi ở công viên Thủ Lệ, một truyện ngắn hay của Ngô Văn Phú về lòng yêu thương giữa con người và loài vật, có ý nghĩa sâu sắc trong việc giáo dục học sinh ý thức yêu quý, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.
Rất tiếc là những tác phẩm đó không còn trong chương trình. Bên cạnh đó, những cuốn sách Để học tốt có sẵn đáp án lại được bán nhan nhản khắp nơi. Một cái vòng luẩn quẩn, thầy ngán dạy vì tưởng học sinh cái gì cũng biết, trò ngán học vì thầy dạy sáo mòn và kết quả là các em chẳng hiểu gì về môn học cả”, cô Hoài trăn trở. Một lý do khác gián tiếp tạo nên tình trạng học sinh không mặn mà với môn xã hội là do sự định hướng, can thiệp của cha mẹ.
Anh Lê Hữu Tuấn Nam, giáo viên dạy môn Địa trường Đinh Thiện Lý (TP. HCM), chia sẻ: “Các lớp nhỏ học tập bộ môn rất nhiệt tình, tự nhiên, yêu thích tìm hiểu kiến thức và rất sôi nổi trong lớp học. Ở các lớp lớn hơn, các em bớt hẳn sự sôi nổi đó. Có một số học sinh được tôi gọi vào đội tuyển học sinh giỏi môn Địa, nhưng sau khi về hỏi ý kiến cha mẹ thì các em trả lời là “Ba mẹ con không cho vào đội tuyển Địa”.
GIÁO VIÊN PHẢI LÀ NGƯỜI TRUYỀN “LỬA” ĐAM MÊ
Kể về thời đi học, chị Ngọc Thu (TP. HCM) cho biết mình nhớ nhất thầy Trần Đồng Minh, dạy môn Văn: “Tôi được học thầy hai năm lớp 10, lớp 12 và với tôi, đó là thầy dạy Văn tuyệt vời nhất. Những bài giảng trên lớp của thầy luôn khiến chúng tôi tròn mắt lắng nghe vì những điều thú vị và mới mẻ không có trong sách giáo khoa. Điều khiến tôi ấn tượng nhất là cách chấm bài của thầy. Thầy bảo chúng tôi chừa lề và với những câu văn hay mà chúng tôi viết được, thầy cẩn thận đánh dấu sao ngoài lề, một sao, hai sao hoặc ba sao, càng nhiều sao là càng hay. Vì vậy, với mỗi bài văn nhận lại, tôi hiểu vì sao mình được 5 điểm, 6 điểm hay 7 điểm.
Với những thầy cô dạy Văn khác, tôi có cảm giác họ chỉ chấm theo quán tính, cứ tùy học sinh mà cho hoài một mức điểm. Thầy luôn cổ vũ cho những cảm nhận và cách khai thác vấn đề mới lạ. Tôi còn nhớ bài văn của một bạn trong lớp mô tả bà ngoại với những chi tiết hoàn toàn khác với lệ thường: đầu trọc, khắc khổ… Một bài viết ngập tràn cảm xúc mà thầy đã đọc lên cho cả lớp nghe và chấm 10 điểm. Ngày chúng tôi chuẩn bị ra trường, thầy tặng chúng tôi hai chữ CHÍ và TÂM như một lời nhắn nhủ cho hành trình tương lai của chúng tôi. Tôi nghĩ một người thầy dạy hay đồng thời là một người đầy tâm huyết với sứ mạng trồng người của mình, không chỉ truyền dạy kiến thức mà còn phải bồi đắp nhân cách sống cho học trò”.
VÌ SAO MÔN XÃ HỘI…
Từ chia sẻ của chị Thu, chúng tôi đã tìm gặp thầy Trần Đồng Minh. Thầy từng xung phong đi dạy ở vùng Tây Bắc bấy giờ là khu tự trị Thái Mèo âm u và xa xôi vô kể so với Hà Nội. Sau đó, thầy trở về thủ đô dạy ở trường Chu Văn An, rồi thầy vào Nam và dạy ở trường PTTH chuyên Lê Hồng Phong. Nay thầy nghỉ hưu đã lâu và đang nằm viện điều trị. Thời gian và sức khỏe có hạn nhưng khi trò chuyện với chúng tôi, thầy vẫn nói về môn Văn rất hăng say. Thầy Minh tâm sự, thầy đến và gắn bó với nghiệp văn chương là bởi sự hun đúc, dẫn dắt của hai người thầy lớn: nhà nghiên cứu văn học Lại Cang (bút danh Lại Ngọc Cang) và thầy Nguyễn Lương Ngọc (sau là Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội). “Kiến thức uyên bác, hiểu biết sâu rộng và phong cách giảng dạy sinh động, không bao giờ lệ thuộc vào sách của những người thầy ấy đã tạo cho tôi niềm say mê môn Văn ngay từ những ngày ngồi trên ghế nhà trường và quyết tâm đi theo nghiệp sư phạm”, thầy nói.
Theo thầy Minh, dạy Văn không chỉ đòi hỏi người thầy có kiến thức sâu rộng, uyên bác mà còn rất cần sự kiên trì nhẫn nại để khơi gợi, dẫn dắt học sinh từ chỗ không hiểu, không biết thành biết và hiểu, thích và yêu văn chương. Người thầy cần phải đọc nhiều, suy nghĩ nhiều chứ không thể bó gọn trong sách giáo khoa, sách hướng dẫn. Bởi những câu nói ấn tượng của thầy, có thể không có trong bất cứ cuốn sách nào, sẽ in khắc sâu đậm trong tâm hồn các em.
“Ngoài khơi gợi, người thầy cần cùng học sinh tìm hiểu, cảm nhận vẻ đẹp của tác phẩm văn học, lắng nghe các em phát biểu, tránh nói nhiều một mình trong giờ giảng và hỏi ý kiến học sinh theo kiểu lấy lệ. Các em nhìn đời bằng cặp mắt xanh non, vì thế nhiều khi có những góc nhìn, ý kiến rất mới mẻ mà người thầy có thể chưa nhận ra. Thầy giáo không chỉ giảng dạy mà còn học hỏi ở học sinh rất nhiều. Thực tế nhiều lần, học sinh của tôi đã cho tôi chiêm nghiệm điều đó. Để các em yêu thích học Văn, người thầy nên cố gắng cung cấp thêm tư liệu hay.
Bên cạnh đó, gia đình hỗ trợ việc học Văn của con bằng cách có một tủ sách. Việc này có thể thực hiện ngay từ khi con còn nhỏ. Bố mẹ, ông bà thay nhau đọc sách, truyện ngắn, ca dao, thành ngữ cho con nghe. Từ việc nghe, đọc con sẽ biết yêu tiếng nói của ông cha. Nếu được thấm đẫm trong không gian văn chương từ nhỏ, được dìu dắt bởi những người thầy có tâm, có tầm, đứa trẻ sẽ có một tâm hồn phong phú, trở thành người có trí rộng tâm đẹp để vững bước vào đời”, thầy Minh lưu ý.
Hiệu phó của một trường cấp ba ở TP. HCM khẳng định khi giáo viên có lòng yêu nghề, yêu bộ môn mình dạy, dù là môn xã hội hay môn tự nhiên, thì tình yêu đó sẽ lan tỏa đến học sinh. Tuy nhiên, lòng yêu nghề đó cũng rất cần sự ủng hộ của những yếu tố khách quan như chế độ lương đảm bảo để giáo viên toàn tâm cho việc giảng dạy tại trường, chương trình và sách giáo khoa phù hợp, sinh động hơn.
KHI THẦY CÔ TÂM HUYẾT VÀ SÁNG TẠO
• Cô Nguyễn Thúy, phụ trách môn Giáo dục công dân khối 10, 11 trường THPT FPT: “Bản thân tôi thời đi học rất ghét môn học này. Tôi tốt nghiệp khoa Tâm lý, trường Đại học Sư phạm Hà Nội và thật trùng hợp, tôi được phân công dạy môn Giáo dục công dân tại trường FPT. Lúc đó, tôi thực sự rất lo lắng làm sao để học sinh không phải rơi vào tình trạng như mình ngày xưa.
Buổi học đầu tiên, tôi đã dành rất nhiều thời gian để trò chuyện, lắng nghe tâm tư của các em rồi mới bắt tay vào xây dựng giáo án. Thay vì cô đọc trò chép, 15 phút đầu tiên cô trò cùng chiếu slide khái quát bài học. Sau đó, tôi làm “thư ký” cho các em, còn các em tự điều khiển giờ học của mình, chơi trò đi tìm mật thư, đóng kịch, tranh luận… Đề kiểm tra luôn là đề mở, để các em đưa ra quan điểm, cách nhìn nhận của mình về một chủ đề gần gũi trong cuộc sống như mẹ đơn thân, cho tiền người ăn xin, làm video rồi trình chiếu trước lớp… Học sinh chỉ cần hiểu được thông tin cốt lõi của bài học, vận dụng vào thực tế chứ không cần nhớ máy móc từng khái niệm.
Để thiết kế một buổi học phá cách như thế, việc chuẩn bị giáo án rất mất thời gian và cần phải có sự ủng hộ của nhà trường. Tôi luôn mong muốn học sinh của mình thực sự hiểu cụm từ “Giáo dục công dân” nghĩa là giáo dục con người. Ở đây không chỉ là hình thành nhân cách con người mà còn là giáo dục cách nhìn nhận sự việc, cách đánh giá một ai đó, thậm chí là giúp các bạn hiểu rõ bản thân mình là ai. Hiểu được những điều đó,học sinh sẽ thích học môn học này”.
• Thầy giáo Lê Hữu Tuấn Nam: Những chuyến đi “thổi hồn” vào bài giảng: “Tôi may mắn được đi một vài nước như Anh, Mỹ, Đài Loan… Các chuyến đi giúp tôi mở mang và kiểm chứng các kiến thức trên sách vở so với thực tế. Việc giảng dạy trên lớp vì thế cũng thực tế và tự nhiên hơn. Các hình thức, phương pháp thường xuyên được tôi áp dụng trong giờ học Địa là: xếp chỗ ngồi theo nhóm để thực hiện các hoạt động bài học; hỏi – đáp nhanh; trò chơi hóa bài học, thảo luận – thuyết trình; làm các bài tập – sản phẩm sơ đồ, bản đồ, infographic, làm phim; hình thức phản biện… Ngoài lớp học, tôi thường tư vấn cho học sinh khi các em chuẩn bị đi du học, về việc chọn trường, so sánh đời sống các nước…”.
Kết quả khảo sát các môn xã hội
48,3% những người tham gia khảo sát bày tỏ nguyện vọng thầy cô cần phải thay đổi cách giảng dạy cũng như kiểm tra bài và ra đề thi theo hướng mở.
Mục Chuyên đề đặc biệt/Tiếp Thị Gia Đình