Vì sao các cặp vợ chồng nên tổ chức kỷ niệm ngày cưới?

Giữa cuộc sống dễ thay đổi này, mỗi 365 ngày hạnh phúc bên nhau của vợ chồng bạn đều là mỗi dịp đáng để chúc mừng

Vợ chồng trẻ nhiều cách kỷ niệm ngày cưới

Nhiều bạn bảo rằng, yêu nhau sâu đậm rồi cưới nhau, cần gì những thứ hình thức như tổ chức kỷ niệm ngày cưới. Thật may, nhiều cặp vợ chồng trẻ suy nghĩ tiến bộ hơn. Kỷ niệm ngày cưới không phải là việc khoe mẽ bạn đã cưới bao nhiêu năm, có cuộc sống hạnh phúc thế nào mà bản chất là một cách làm mới đời sống lứa đôi, tăng gia vị để tạo nên hạnh phúc lâu dài.

Mỗi người một cách kỷ niệm ngày cưới khác nhau. Có gia đình đi du lịch, gia đình khác nấu tiệc, đi ăn nhà hàng hay đến studio chụp bộ hình cưới làm kỷ niệm.

Chị Ngân Hà, TP. HCM, đặc biệt thích chụp album ảnh gia đình qua các năm và chị chọn mốc thời gian cố định là ngày cưới của hai vợ chồng. Hôn nhân của chị đã bước qua năm thứ 8 và chị cũng có 8 album ảnh cưới chụp tại studio hoặc ngoài trời. Chị cho hay: “Chụp ảnh xong, tôi thường đăng vài tấm lên Facebook và rất vui khi nhận được hàng ngàn người like, hàng trăm lời bình luận, chúc mừng. Tuy nhiên, điều đó với tôi không quan trọng mà ý nghĩa ở chỗ, chúng tôi có thời gian chất lượng dành cho nhau, có dịp nhắc nhở nhau rằng, gia đình là ưu tiên hàng đầu cần cả hai ra sức giữ gìn”.

Xuất phát từ nhu cầu này, studio ảnh chuyên dịch vụ chụp ảnh kỷ niệm ngày cưới cho các gia đình ra đời ngày càng nhiều, từ thành phố lớn đến thành phố nhỏ cho đến tận các vùng quê.

Chị Minh Hà, chủ Studio Đẹp & Lạ tại Quảng Ninh đã hoạt động 2 năm nay, cho hay: “Mỗi tháng, tôi thực hiện khoảng 20 bộ ảnh gia đình. Khách đến với tôi không chỉ ở Quảng Ninh mà còn có nhiều gia đình ở Hà Nội, chụp khi đi du lịch cùng nhau. Giữa đất trời bao la, mẹ sánh bước bên bố, còn các con cười toe đi bên cạnh. Tôi nhìn thấy hạnh phúc trong ánh mắt, trong nụ cười và cả những cử chỉ họ chăm sóc lẫn nhau khi chụp ảnh. Tôi biết họ thực sự xúc động”.

Con cái tổ chức kỷ niệm ngày cưới cho bố mẹ

Không chỉ lo làm mới hạnh phúc cho mình, nhiều bạn cũng lo tổ chức kỷ niệm cho bậc sinh thành. Khi báo hiếu cha mẹ theo cách này, kế hoạch tổ chức thường hoành tráng hơn, không dừng lại ở một bộ ảnh gia đình, một bữa cơm tại gia.

Cho đến bây giờ, bà Nguyễn Kim Ngọc, 76 tuổi, Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội, vẫn rưng rưng khi nhớ về “đám cưới vàng” – kỷ niệm 50 năm ngày cưới của mình. Hai ông bà cưới nhau thời gian khó, đồ đạc “góp gạo thổi cơm chung” chẳng có gì ngoài chiếc chậu nhôm, chục bát sành chứ chẳng có đôi nhẫn cưới như giới trẻ bây giờ.

to chuc ky niem ngay cuoi hinh anh 1

Vợ chồng bà Kim Ngọc hạnh phúc bên nhau đón nhận những lời chúc phúc từ con cái, người thân bạn bè

Chị Mai Anh, con gái lớn của ông bà, không khỏi trăn trở vì “chưa bao giờ bố mẹ được tổ chức kỷ niệm ngày cưới một cách đúng nghĩa”. Chính vì thế, năm nay, đúng dịp bố mẹ tròn 50 năm ngày cưới, chị đã tặng bố mẹ một “đám cưới vàng” mà theo chị, đó là đám cưới để lại trong chị nhiều dư âm nhất.

Chị Mai Anh đã đặt tên đám cưới là “Hoài niệm”. Đúng với cái tên đó, đám cưới diễn ra tại một nhà hàng bài trí theo phong cách thời bao cấp, từ chiếc điện thoại quay số, bát sành bị mẻ, chiếc ti-vi đen trắng… Ngay đến cả bó hoa “cô dâu mẹ” ôm trên tay cũng là sản phẩm chị tự tay kết từ những đóa lay- ơn – nét đặc trưng của những đám cưới thế kỷ trước.

Thời khắc diễn ra đám cưới, Hà Nội đổ mưa rất to nhưng hôn trường chẳng thiếu vị khách nào. Clip ảnh gia đình qua các thế hệ đã khiến mọi người lặng đi vì xúc động. Khách tới dự đám cưới, người hát, người đọc thơ tặng hai ông bà rồi hào hứng với trò con số may mắn. Đứng bên cạnh người bạn đời trong suốt 50 năm, bà Kim Ngọc hạnh phúc đến rưng rưng.

Đến giờ, nhớ lại lúc bố mẹ hạnh phúc trong tay nhau, chị Mai Anh cũng vẫn muốn bật khóc. Chị chia sẻ: “Để đám cưới của cha mẹ diễn ra đủ đầy, vui vẻ, mấy anh chị em chúng tôi đã cùng nhau lên kịch bản chương trình, thu thập ảnh gia đình để làm clip, mời họ hàng, hàng xóm, đồng nghiệp thân thiết của bố mẹ… Tất cả giữ bí mật đến phút chót, đến giờ cuối mới chịu bật mí. Đêm hôm sau tiệc kỷ niệm, bố mẹ tôi đã không ngủ được. Tôi cũng vậy, hạnh phúc vì đã mang đến cho bố mẹ một ngày thật đặc biệt; hạnh phúc vì nhìn thấy nụ cười thật mãn nguyện của bố mẹ sau 50 năm vất vả nuôi nấng đàn con trưởng thành”.

Có thể khẳng định, dù nói ra hay không, bất cứ đấng sinh thành nào cũng đều mong muốn ôn lại kỷ niệm ngày hạnh phúc. Càng lớn tuổi, người già càng có xu hướng hoài niệm quá khứ và muốn nhìn thấy thành quả mình đã gầy dựng bao năm qua. Tuy nhiên, đại đa số người lớn tuổi đều có tâm lý e ngại, sợ con cái tốn kém, sợ con cái mệt, sợ phiền bà con họ hàng. Nếu bạn khắc phục được những nỗi e ngại này, ngày kỷ niệm bạn tổ chức cho cha mẹ sẽ trọn vẹn hạnh phúc.

Xu hướng tích cực của thời hiện đại

Chia sẻ về xu hướng tổ chức mừng kỷ niệm ngày cưới, PGS– TS. Huỳnh Văn Sơn, Trưởng khoa Tâm lý học, Đại học Sư phạm TP. HCM gọi ngày này là “Ngày của yêu thương”. Anh cho biết: “Kỷ niệm ngày cưới là cách nhắc nhớ nhau về tình yêu. Nhắc nhau để hâm nóng tình yêu, sưởi ấm mối quan hệ và nuôi dưỡng tình yêu bằng những gia vị mới. Việc kỷ niệm ngày cưới phụ thuộc vào tâm và ý của cả hai, bạn cần biết người ấy mong chờ gì để tổ chức kỷ niệm sao cho phù hợp. Một bữa ăn ngon, một món nữ trang ấn tượng, một tin nhắn ngọt ngào, một bức thư đầy cảm xúc, số lượng hoa ấn tượng, những hình ảnh mới cập nhật của cả hai sau ngần ấy năm cưới… Món quà từ trái tim sẽ khiến cho người trong cuộc thăng hoa về cảm xúc”.

“Nếu các con tổ chức kỷ niệm ngày cưới cho bố mẹ thì nên tùy vào sự đồng thuận của bố mẹ. Nên tránh mè nheo, vòi vĩnh hay bắt ép cha mẹ phải làm kỷ niệm theo ý của mình, vì mục đích riêng của mình. Tôi cho rằng, dù vợ chồng trẻ hay già, nếu hai nhân vật chính có tình cảm hết lòng thì bất cứ hình thức kỷ niệm nào cũng đều trở thành một kỷ niệm đẹp khó quên”.

THU HÀ

Mục Tình yêu & Hôn nhân / Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua