Tủ lạnh không thật sự an toàn!

Nhiều người vô tư cho mọi thực phẩm sống lẫn chín vào tủ lạnh và nghĩ rằng như vậy sẽ bảo quản lâu cũng như giữ được độ tươi ngon. Tuy nhiên, thói quen này không tốt!

Một cuộc điều tra gần đây đã phát hiện ra sự thật hãi hùng: hầu hết các loại tủ lạnh đều chứa vi khuẩn có hại. Lượng vi khuẩn trong tủ lạnh có thể gây ra nhiều loại bệnh và nhiễm trùng nguy hiểm, bao gồm cả nhiễm trùng huyết.

Kết luận này khiến rất nhiều người kinh ngạc. Bởi trước nay, tủ lạnh vẫn được xem là môi trường lý tưởng và an toàn để lưu trữ thực phẩm. Giờ đây, khi biết nó không tuyệt đối an toàn nữa bạn nên cần biết loại vi khuẩn nào thường sinh sôi trong tủ lạnh và làm cách nào để khống chế chúng.

Vi khuẩn trong tủ lạnh tồn tại nơi đâu?

Các nhà điều tra quẹt 5 miếng gạc lên 5 vị trí của tủ lạnh: hộc đựng rau; ngăn dưới cùng; khay cửa trên; ngăn đựng trứng; tay nắm cửa bên ngoài. Sau đó, họ đem các miếng gạc đi xét nghiệm và nhận ra tất cả đều chứa vi khuẩn. Kết luận thu được là bạn đã đưa vi khuẩn mới vào tủ lạnh mỗi khi bạn cất hoặc lấy thức ăn từ đó. Ngoài ra, không giữ tủ lạnh ở nhiệt độ thích hợp cũng như không làm sạch nó thường xuyên đều là nguyên nhân khiến vi khuẩn có hại phát triển mạnh.

Một số loại vi khuẩn trong tủ lạnh thường gặp là Aeromonas, Enterobactera clocae; Klebsiella oxytoca, Listeria monocytogenes… Chúng có liên quan đến nhiễm trùng đường hô hấp và tiết niệu. Đặc biệt nguy hại đối với những người đang gặp vấn đề về sức khỏe; hoặc có hệ thống miễn dịch bị suy yếu.

vi khuẩn trong tủ lạnh

Làm sao để giữ cho tủ lạnh an toàn?

Duy trì nhiệt độ lý tưởng

Theo Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm của Anh Quốc (FSA), ngăn mát tủ lạnh nên được giữ trong khoảng nhiệt độ từ 0–5°C. Thực phẩm được làm lạnh đúng cách sẽ giúp ngăn chặn vi khuẩn có hại phát triển, FSA giải thích.

Cách tốt nhất để kiểm tra nhiệt độ là sử dụng nhiệt kế tủ lạnh. Đừng ước chừng bằng cách quay số trên núm vặn. Vì bạn sẽ không biết chính xác nhiệt độ đó có phù hợp hay không.

Đừng để tủ lạnh “bội thực”

Nhiều người quan niệm tủ lạnh đầy ắp đồ ăn là dấu hiệu của sự sung túc, trù phú. Đối với một nhà vi trùng học, hình ảnh ấy chẳng khác nào một người đang chực chờ nguy cơ bị tiêu chảy. Nguyên nhân là trong tủ lạnh, luồng không khí lạnh cần lưu thông để giữ lạnh cho thực phẩm và làm sạch vi khuẩn trong tủ lạnh. Song nó chẳng thể làm điều đó trong một môi trường quá ngột ngạt, đông đúc.

Làm sạch tủ lạnh 1 tháng 1 lần

Vi khuẩn trong tủ lạnh phát triển rất mạnh trên nắp hộp mứt; trong bát súp ăn dở hoặc khay thịt nguội lưu trữ lâu ngày. Thế nên, các chuyên gia khuyên bạn nên vệ sinh tủ lạnh mỗi tháng một lần bằng nước ấm, xà phòng hoặc hỗn hợp giấm và nước. Cần làm sạch các kệ, ngăn kéo, giá đỡ cửa, hút bụi xung quanh lưới tản nhiệt và động cơ, lau chùi kỹ tay nắm. Nếu có vết bẩn cứng đầu, hãy dùng hỗn hợp nước và baking soda để trị chúng.

Không đổ sữa không uống hết vào lại hộp

Bé nhà bạn uống không hết phần sữa tươi bạn lấy. Thế là bạn đổ phần còn thừa vào lại hộp. Sai lầm rồi đấy bạn! Phần sữa thừa đó có thể làm hỏng phần sữa trong hộp, lây lan vi khuẩn và gây ra ngộ độc thực phẩm. Tốt nhất là bỏ phần sữa không uống hết. Đồng thời để hộp sữa đã mở ở trong cùng tủ lạnh. Đó là nơi lạnh nhất nên vi khuẩn không có cơ hội xâm nhập.

Không để trái cây và rau củ tươi sống trong cùng một ngăn

Có hai cách giúp giữ trái cây và rau củ không bị vi khuẩn tấn công. Thứ nhất, không rửa chúng cho đến khi nào bạn lấy ra sử dụng (vì vi khuẩn rất yêu thích độ ẩm). Thứ hai, tách chúng ra hai ngăn tủ khác nhau. Trái cây phóng thích ethylene – một loại khí khiến rau nhanh hư hỏng.

Rã đông đúng cách

Lần tới khi bạn rã đông thịt bò hoặc ức gà, đừng đặt chúng trực tiếp lên kệ trên cùng của ngăn mát. Nước thịt có thể thấm ra và nhỏ giọt vào thức ăn bên dưới. Điều này vô tình làm lây lan vi khuẩn. Thay vào đó, hãy cho thịt vào túi nhựa, bát hoặc đĩa và đặt ở ngăn mát cuối cùng.

Trữ thực phẩm trong khoảng thời gian cho phép

Bạn thường được khuyên nên sử dụng thực phẩm dễ hư hỏng sau khi trữ trong ngăn mát 3-4 ngày. Nếu không, hãy đông lạnh chúng để bảo quản được lâu hơn. Tùy loại thực phẩm sẽ có khung thời gian lưu trữ khác nhau ở ngăn mát và ngăn đông. Cụ thể:

– Thịt xông khói: 7 ngày trong ngăn mát, 1 tháng trong ngăn đông

– Thịt bò/thịt lợn tươi: 3-5 ngày trong ngăn mát, 4-12 tháng trong ngăn đông

– Thịt gia cầm tươi: 1-2 ngày trong ngăn mát, 9 tháng trong ngăn đông

– Thịt động vật/gia cầm nấu chín: 3-4 ngày trong ngăn mát, 2-6 tháng trong ngăn đông

– Xúc xích: 1 tuần trong ngăn mát, 1-2 tháng trong ngăn đông

– Trứng: không quá 30 ngày trong ngăn mát

Bài: Thu Hà
Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua