Trước đây, cứ 5-10 năm mới có 20 ca mắc Whitmore ở Việt Nam. Khiến căn bệnh này không được nhiều người biết đến, thậm chí quên lãng. Thế nhưng gần đây, liên tục có nhiều bệnh nhân nhập viện vì bị vi khuẩn ăn thịt người tấn công. Từ đầu năm 2019 đến nay có vài chục ca, nhiều ca đã tử vong. Thế là ngay lập tức, Vi khuẩn ăn thịt người whitmore trở nên đáng sợ với mọi người. Nó khiến mọi người hoang mang về mức độ nguy hiểm do nó gây ra.
Whitmore còn có tên gọi khác là bệnh melioidosis. Nó gây nguy hiểm đến tính mạng của cả người và động vật. Nguyên nhân gây ra bệnh đến từ một loại vi khuẩn có tên Burkholderia pseudomallei. Vi khuẩn này có thể lây lan qua tiếp xúc với nước và đất bị ô nhiễm. Thoạt nghe, nhiều người sẽ lầm tưởng Whitmore là căn bệnh nhiễm trùng vô phương cứu chữa. Nó khiến bệnh nhân tử vong nhanh chóng chỉ trong vòng vài ngày.
Tuy nhiên, bác sĩ Nguyễn Vũ Hùng – chuyên ngành Nội tổng quát và Hồi sức cấp cứu – cho biết: “Whitmore tuy nguy hiểm nhưng không quá đáng sợ như bạn nghĩ! Thứ nhất, bệnh không có khả năng lây truyền từ người sang người. Thứ hai, nếu được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời, bệnh sẽ được khống chế trong vòng 6 tháng với nguy cơ tái phát không cao. Muốn vậy, khi nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào nghi ngờ do Whitmore, bệnh nhân cần gặp bác sĩ để được khám và xét nghiệm”.
Các triệu chứng của bệnh do vi khuẩn ăn thịt người whitmore gây ra
Phải mất từ 2-4 tuần sau khi tiếp xúc với vi khuẩn, các triệu chứng mới xuất hiện. Cá biệt, có một số người còn không nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy mình đã nhiễm vi khuẩn Burkholderia pseudomallei. Nếu có, triệu chứng của Whitmore ở mỗi người sẽ khác nhau. Nó tùy thuộc vào loại nhiễm trùng mà họ mắc phải. Một số loại nhiễm trùng thường gặp là:
Nhiễm trùng phổi
Cách phổ biến nhất để vi khuẩn ăn thịt người whitmore tấn công người bệnh là thông qua nhiễm trùng phổi. Khi đó, người bệnh sẽ gặp phải các triệu chứng từ nhẹ (như viêm phế quản) đến nặng (viêm phổi dẫn đến sốc nhiễm trùng).
Nhiễm trùng máu
Nếu không được điều trị nhanh chóng và thích hợp, nhiễm trùng phổi do Whitmore có thể tiến triển thành nhiễm trùng máu. Đây chính là hiện tượng sốc nhiễm trùng và là dạng Whitmore nghiêm trọng nhất. Nó có nguy cơ gây tử vong cao.
Triệu chứng của sốc nhiễm trùng chính là sốt kèm theo run rẩy và đổ mồ hôi, đau đầu, đau họng, đau bụng trên, tiêu chảy, đau khớp và đau cơ, vết loét có mủ trên da hoặc bên trong gan/lá lách/cơ/tuyến tiền liệt.
Nhiễm trùng cục bộ
Loại Whitmore này ảnh hưởng đến da và các cơ quan ngay dưới da. Nhiễm trùng cục bộ có khả năng lan đến máu và ngược lại. Các triệu chứng thường gặp là đau hoặc sưng tập trung ở một khu vực, chẳng hạn như tuyến mang tai; sốt; loét hoặc áp xe trên da cũng như bên dưới da.
Nhiễm trùng lan tỏa
Đối với loại vi khuẩn ăn thịt người whitmore này, vi khuẩn có thể lây lan từ da qua máu để trở thành một dạng nhiễm trùng mạn tính. Sau đó ảnh hưởng đến tim, não, gan, thận, khớp và mắt.
Các vết loét do nhiễm bệnh thường gặp nhất là ở gan, phổi, lá lách và tuyến tiền liệt. Ít phổ biến hơn, nhiễm trùng xảy ra ở khớp, xương, hạch bạch huyết và não.
Nguyên nhân nào gây ra bệnh whitmore?
Nguời và động vật tiếp xúc trực tiếp với đất hoặc nước bị nhiễm vi khuẩn Burkholderia pseudomallei có nguy cơ cao bị bệnh whitmore. Như vậy, bạn sẽ thuộc nhóm đối tượng dễ mắc phải căn bệnh này nếu bạn:
Sống ở khu vực Đông Nam Á hoặc phía Bắc nước Úc.
Làm công việc phải tiếp xúc nhiều với nước và đất như công nhân xây dựng, nông dân, ngư dân…
Bên cạnh đó, còn một số nguy cơ khác dẫn đến bệnh Whitmore:
Mắc bệnh đái tháo đường
Mắc bệnh gan, thận, phổi mãn tính
Bị ung thư hoặc tình trạng ức chế miễn dịch khác không liên quan đến HIV
Bệnh thấp khớp
Bệnh lao
Người có thói quen lạm dụng rượu bia
Người đang sử dụng steroid và liệu pháp ức chế miễn dịch khác.
Điều trị bệnh thế nào?
Cách điều trị Whitmore không giống nhau ở mỗi bệnh nhân. Phác đồ điều trị sẽ phụ thuộc vào loại vi khuẩn mà người bệnh mắc phải.
Giai đoạn đầu (kéo dài từ 10–14 ngày): người bệnh dùng kháng sinh liều cao qua đường tĩnh mạch là Ceftazidime (Fortaz, Tazicef) hoặc Meropenem (Merrem).
Giai đoạn thứ hai (kéo dài 3–6 tháng): bệnh nhân được chỉ định một trong hai loại kháng sinh qua đường uống là Sulfamethoxazoletrimethoprim (Bactrim, Septra, Sulfatrim) hoặc Doxycycline (Adoxa, Alodox, Avidoxy, Doryx, Monodox).
Làm thế nào để ngăn ngừa vi khuẩn ăn thịt người whitmore?
Tiếc là cho đến nay, chưa có vaccine để ngăn ngừa Whitmore. Việc cần làm là:
Cần mang ủng và găng tay không thấm nước khi tiếp xúc với đất hoặc nước trong thời gian dài.
Tránh tiếp xúc với đất hoặc nước đọng nếu bạn có vết thương hở, bị tiểu đường hay bệnh thận mãn tính.
Không uống các sản phẩm từ sữa khi chưa chắc chắn chúng đã được kiểm định và tiệt trùng.
Kiểm tra tình trạng sức khỏe nếu bạn có dự định điều trị ức chế miễn dịch.
Bài: Khang Nguyễn
Tiếp Thị Gia Đình