Vàng khiến nhiều đế chế hưng thịnh và suy tàn thế nào?

Vàng là một trong những biểu tưởng về cả vật chất lẫn tinh thần của thế giới loài người. Từ khi xuất hiện, thứ kim loại quý này đã thay đổi lịch sử nhân loại với muôn vàn hưng thịnh, suy vong và chiến tranh loạn lạc

Suốt chiều dài lịch sử nhân loại, hệ thống tiền tệ từng khiến không ít đế chế phải lao đao, thậm chí sụp đổ. Vàng chính là thứ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong đó.

Sự lung lay của đế chế La Mã; hay cuộc Đại suy thoái ở Mỹ đầu những năm 1930; đều liên quan đến thứ kim loại này. Những bài học lịch sử không bao giờ thiếu. Tuy nhiên, không phải ai trong các nhà hoạch định tài chính quốc gia cũng hiểu. Thậm chí họ còn chẳng muốn học. Chúng ta cùng điểm qua một số bài học đắt giá đó; để thấy thật ra bản chất của chúng chẳng hề khó nhận diện.

VÀNG – TẤM GƯƠNG XẤU CỦA THÀNH ATHENS

Dù từng được dùng để làm vật trao đổi; vàng và bạc chỉ được xem là tiền vào khoảng thế kỷ thứ VII trước Công nguyên tại Lydia (ngày nay thuộc miền tây Thổ Nhĩ Kỳ).

Thời đó chúng được đánh ra thành những đồng xu có khối lượng bằng nhau; để giúp cho việc mua bán thuận lợi hơn. Tuy nhiên mãi đến khi tiền xu được sử dụng phổ biến tại Athens; thì vàng mới bắt đầu được xem như một phương tiện thanh toán rộng rãi tại nhiều nơi.

Nhờ những tiến bộ trong nhiều lĩnh vực, Athens đã phát triển rực rỡ trong rất nhiều năm. Hệ thống tiền tệ mới đã góp phần không nhỏ giúp họ trải qua thời kỳ hưng thịnh. Tuy nhiên khi thịnh vượng quá, con người hầu như đều trở nên tham lam. Vào khoảng đầu thế kỷ thứ VI trước Công nguyên; khi Solon nắm quyền nhiếp chính, ông này đã có một quyết định “thiên tài” thời đó.

Solon ra lệnh thay đồng drachma nguyên chất bằng đồng drachma mới; chỉ còn lại 73% lượng vàng hay bạc mà thôi. Nói cách khác, ông ta đã giảm giá tiền tệ của Athens 27%.


Suốt hơn một thế kỷ sau đó, người Athens đã có thêm thời gian để chứng tỏ lòng tham của mình; bằng những cuộc chiến tranh. Đã tham chiến thì phải tốn nhiều tiền. Vậy nên vào năm 407 trước Công nguyên – 22 năm sau khi gây ra cuộc chiến Peloponnesian; người Athens cạn cả vàng và bạc.

Những vị cầm quyền đã làm gì để trang trải chi phí? Họ tiếp tục giảm giá đồng tiền bằng cách pha thêm đồng đỏ vào tiền xu; và không chỉ một lần. Cuối cuộc chiến tranh mà trong đó Athens đã thua trận; thứ tiền mà họ sử dụng gần như chẳng còn được ai chấp nhận, kể cả những đồng minh và cư dân Athens.

Cứ thế, đế chế hùng mạnh một thời liên tục suy thoái và trượt dài trên con dốc đó, đến khi gục ngã dưới tay của người Macedonia.

NGƯỜI LA MÃ VÀ ĐỢT TĂNG GIÁ 4.240.000%

Sau khi thay thế Hy Lạp để trở thành thế lực thống trị; suốt nhiều thế kỷ, người của Rome đã có thừa thời gian hoàn thiện kỹ nghệ làm giảm giá trị của tiền. Dường như họ chẳng muốn học hỏi gì từ những sai lầm của tiền nhân. Nhiều nhà lãnh đạo khác nhau của đế chế La Mã đã đi vào vết xe đổ mà Athens từng trượt dài đến khủng hoảng. Họ không ngùng tìm cách giảm giá trị của đồng tiền, gây nên lạm phát phi mã khắp nơi.

Cuối thời Claudius Victorinus trị vì vào năm 268; lượng bạc trong tiền xu La Mã chỉ còn một phần năm nghìn tỷ lệ ban đầu. Đến khoảng thế kỷ thứ IV, Ai Cập lúc đó là một tỉnh của đế chế La Mã; và đồng drachma của họ giảm giá trị khủng khiếp. Từ mức 1 đồng vàng nguyên chất đổi được 4.000 drachma; dần dần tỷ giá đó trở thành 180 triệu drachma!

Cuối thế kỷ thứ III đến đầu thế kỷ thứ IV là thời gian trị vì của Diocletian. Năm 301 khi lạm phát đã trở nên không chịu nổi; ông ta đã ban hành Sắc lệnh Trần giá cả (Edict of Diocletian Fixing Maximum Prices) trứ danh. Nó quy định kẻ nào dám bán hay mua hàng hóa với giá cao hơn giá do chính quyền thiết lập sẽ bị tử hình. Kẻ nào dám đầu cơ hàng hóa để chờ giá lên, gây ra khan hiếm; cũng bị xử với cùng mức độ. Sắc lệnh này còn đưa ra cả hạn mức tiền lương.

Tuy nhiên, dù đã dự tính trước một phần phản ứng của người dân; Diocletian vẫn không thể ngờ nổi mức độ bi đát của tình hình. Người ta chẳng muốn bán hàng nữa, bởi họ không thể kiếm lời. Cảnh đầu rơi máu chảy diễn ra nhan nhản.

Kết quả của tất cả những chuyện này: vụ siêu lạm phát đầu tiên trong lịch sử nhân loại được ghi nhận. Một pound (gần 454 g) vàng có giá 50.000 denari (tiền La Mã cổ đại) vào năm 301. Thế nhưng đến giữa thế kỷ đó, nó đã tăng lên tới 2,12 tỉ denari! Vậy là giá vàng tăng tới 42.400 lần chỉ trong khoảng 50 năm. Còn tính trong thế kỷ đó, dựa trên giá lúa mỳ ở Ai Cập; lạm phát đạt mức 15.000%.

Trong những trường hợp như thế, người ta thà quay lại phương thức giao dịch hàng đổi hàng ngày xưa; may ra mới sống nổi.

Còn kết cục của Diocletian? Sau bốn năm ban hành sắc lệnh thảm họa này; ông ta đã đẩy La Mã đến bờ vực, nên đành thoái vị vào năm 305.

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua