Vắc-xin phòng virus sốt xuất huyết đầu tiên được phép sử dụng tại Mexico

Vắc-xin phòng virus sốt xuất huyết đầu tiên trên thế giới đã được Mexico thông qua cho phép sử dụng vào chiều 9−12, mở ra cơ hội ngăn ngừa hàng chục triệu trường hợp nhiễm bệnh mỗi năm

Với quyết định này, Mexico đã trở thành nước đầu tiên trên thế giới lưu hành vắc-xin phòng virus sốt xuất huyết.

Trong một thông cáo, Bộ Y tế Mexico (SSA) cho hay, căn cứ kết quả hai năm thử nghiệm lâm sàng đối với hơn 40.000 người từ 9 tuổi trở lên tại 15 nước trên toàn thế giới, trong đó có cả người Mexico, quốc gia Bắc Trung Mỹ này đã quyết định đưa vắc-xin Dengvaxia vào lưu hành. Kết quả thử nghiệm cho thấy 70% số người tham gia thí nghiệm hoàn toàn miễn dịch với virus gây bệnh sốt xuất huyết.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ phòng chống virus sốt xuất huyết của Dengvaxia là 60,8%, tương đối thấp so với các loại vắc-xin khác, nhưng Dengvaxia phát huy tác dụng tối đa khi ngăn chặn bệnh diễn biến trầm trọng với tỷ lệ lên tới 93,2%.

Vac xin phong virus sot xuat huyet hinh anh 2

SSA cho biết, mỗi năm vắc-xin phòng virus sốt xuất huyết Dengvaxia sẽ giúp hơn 8.000 người Mexico tránh bị mắc bệnh, cứu sống khoảng 100 bệnh nhân và có thể giúp chính phủ nước này tiết kiệm khoản chi phí điều trị lên tới 64 triệu USD. Bên cạnh đó, Ủy ban Tiêm chủng quốc gia Mexico cũng sẽ cân nhắc việc cung cấp vắc-xin Dengvaxia miễn phí trên phạm vi toàn quốc.

Vắc-xin phòng virus sốt xuất huyết Dengvaxia do tập đoàn dược phẩm Sanofi của Pháp sản xuất. Mexico là quốc gia đầu tiên “bật đèn xanh” cho phép sử dụng Dengvaxia trong tổng số 20 quốc gia đã nhận được đề nghị của Sanofi.

Hiện vẫn chưa rõ giá niêm yết của Dengvaxia, song Sanofi kỳ vọng vắc-xin này sẽ đem về cho hãng hơn 1 tỷ USD mỗi năm.

Theo thống kê của WHO, gần 40% dân số thế giới, tương đương 3,9 tỷ người, có nguy cơ lây nhiễm sốt xuất huyết. Mỗi năm, khoảng 400 triệu người tại hơn 128 quốc gia đã mắc sốt xuất huyết. Trong khi đó, năm ngoái, Mexico đã ghi nhận hơn 32.000 trường hợp nhiễm virus sốt xuất huyết khiến nước này tốn khoảng 187 triệu USD chi phí điều trị.

Theo TTXVN

Đừng bỏ qua