Vắc xin Covid-19 có thể sẵn sàng thử nghiệm lâm sàng vào tháng 8 tại Singapore

Các nghiên cứu tiền lâm sàng trên một loại vắc xin hiện đang được tiến hành bởi Trường Y khoa Duke-NUS tại Singapore và công ty Arcturus Therapeutics có trụ sở tại Mỹ

Singapore cũng đang chạy đua thử nghiệm vắc xin Covid-19. Ảnh: Shutterstock

Singapore hiện là ổ dịch Covid-19 lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Thông cáo của Bộ Y tế Singapore vào hôm qua (23/4), đảo quốc ghi nhận thêm 1.037 ca mắc Covid-19 mới. Tổng số người nhiễm ở nước này lên thành 11.178. Hơn 95% con số này rơi vào cộng đồng lao động nhập cư có thu nhập thấp. Họ chủ yếu đến từ các quốc gia Nam Á như Ấn Độ, Bangladesh; làm việc tại các công trình xây dựng và bến cảng của Singapore. Chính phủ Singapore đã biện pháp nhanh chóng và quyết liệt nhằm giải quyết sự bùng phát dịch. Trong đó có kéo dài thời gian giãn cách xã hội đến ngày 1/6; và chạy đua thử nghiệm lâm sàng vắc xin Covid-19.

Vắc xin Covid-19 tại Singapore mang tên Arcturus / Duke-NUS

Như nhiều quốc gia khác, Singapore cũng đang trong cuộc đua phát triển vắc xin để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Các nghiên cứu tiền lâm sàng trên một loại vắc xin hiện đang được tiến hành bởi Trường Y khoa Duke-NUS tại Singapore và công ty Arcturus Therapeutics có trụ sở tại Mỹ. Vắc xin sẽ được thử nghiệm với người trưởng thành nếu an toàn trên động vật. Theo các nhà nghiên cứu dự án, các thử nghiệm lâm sàng dự kiến sẽ bắt đầu vào đầu tháng 8.

Nếu chế tạo thành công, Singapore sẽ sở hữu quyền tiêm vắc-xin trong nước. Công ty Arcturus Therapeutics có thể tự do tiếp thị loại vắc-xin này trên phạm vi toàn cầu. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), riêng tuần trước thế giới đã có ba loại vắc xin tiềm năng đang được thử nghiệm lâm sàng; và 67 loại được thử nghiệm tiền lâm sàng. Loại vắc xin tại Singapore mang tên Arcturus / Duke-NUS nằm trong nhóm tiền lâm sàng.

Vắc xin Covid-19

Nhân viên công ty Arcturus Therapeutics đang nghiên cứu loại vắc xin Covid-19 tại phòng thí nghiệm ở San Diego vào tháng trước. Ảnh: STB

Giáo sư Ooi Eng Eong cho biết, Arcturus / Duke-NUS được chế tạo dựa theo công nghệ vắc-xin mRNA mới. Và nếu thành công sẽ có thể tối ưu hóa chi phí và rút ngắn quá trình sản xuất vắc-xin. Cũng theo WHO, việc phát triển vắc xin sẽ mất khoảng 18 tháng. Vì vậy nếu giải pháp của Arcturus / Duke-NUS thành công sẽ giúp rút ngắn đáng kể cuộc chiến chống lại loại virus này.

Tiếp Thị Gia Đình

Đừng bỏ qua