Nhiều cảnh báo uống trà sữa không rõ nguồn gốc có thể dẫn đến tiêu chảy; ngộ độc hoặc tiềm tàng nguy cơ ung thư vì những chất độc hại. Mới đây, vụ việc một bé gái tử vong vì tắc đường thở do dùng ống hút để hút hạt trân châu; bất chấp mọi nỗ lực cứu sống của người mẹ vốn là bác sĩ khoa hô hấp khiến nhiều người e ngại. Chẳng ai có thể ngờ, việc thưởng thức trà sữa lại có thể bất ngờ cướp đi mạng sống của một đứa trẻ.
Sức khỏe bị bủa vây giữa rừng hóa chất
Với các loại trà sữa trân châu không rõ nguồn gốc, giá rẻ mà lại ngon, thơm, ngọt, béo ngậy… bạn hãy coi chừng những gì ẩn chứa trong nó.
Nguyên liệu đầu tiên ấy là trà
Nếu là nơi uy tín, người ta có thể dùng trà đen, trà xanh; trà trắng, trà ô long để pha chế. Trà có chứa các chất chống ô-xy hóa tốt cho cơ thể; giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim và ung thư. Tuy nhiên, dùng nguyên liệu tự nhiên và cao cấp thì khó lời.
Để có được vị như trà tự nhiên, người bán có thể sử dụng hương bột trà; chế từ bột màu và hương liệu. Ngay cả dùng trà thật thì cũng là loại trà giá rẻ, tẩm ướp thêm hương liệu như hương nhài, hương sen… nhằm quyến rũ thực khách.
Không ai biết hương liệu đó chất lượng đến đâu, có được dùng trong thực phẩm không? Biết bao ẩn họa nằm dưới các loại hương liệu không rõ nguồn gốc này?
Nguyên liệu thứ hai là sữa
Thay vì dùng sữa đặc, sữa tươi tốn kém, ít lời. Bí mật giúp tạo nên những ly trà sữa béo ngậy đó là kem béo. Ngoài việc ít dinh dưỡng hơn sữa, kem béo còn chứa nhiều dầu thực vật được hydro hóa. Dầu này chứa chất béo trans, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch vì chúng làm tăng cholesterol xấu, giảm cholesterol tốt.
Một nguyên liệu làm nên sự độc đáo của trà sữa, đó là hạt trân châu
Được làm từ bột năng, thành phần chính của hạt trân châu là tinh bột. Nếu muốn bột năng biến thành hạt nho, hạt kiwi, táo, dâu, vải… người ta chỉ việc trộn thêm hương liệu để ngấm vào hạt. Muốn hạt dai, giòn cũng không khó vì đã có hàn the.
Thêm vào đó, hạt trân châu không bảo quản được lâu nên người ta phải thêm các chất bảo quản để tránh ôi thiu. Ăn được hạt trân châu với các chất này, bạn vẫn còn… may mắn. Nếu không may, bạn có thể ăn phải hạt trân châu làm từ đế giày và lốp xe đã qua sử dụng như thông tin đã gây hoang mang dư luận ở Trung Quốc.
Đấy là chưa kể bạn thích trà sữa có những hương vị khác nhau như trà sữa hương dâu, nho, táo, bưởi… Không có chuyện trà sữa pha thêm với nước ép dâu, nho, táo, bưởi nguyên chất như các chủ cửa hàng thường nói!
Thế giới hóa chất tạo hương phong phú ngoài chợ sẵn sàng phục vụ mọi sở thích của bạn
Nói như vậy để thấy, ly trà sữa bạn uống đôi khi chẳng có trà mà cũng chẳng có sữa. Nó chủ yếu được tạo nên từ hương liệu. Nếu bạn chưa thấy “sởn gai ốc”, mời bạn dạo một vòng chợ Bình Tây. Ở đây, có đủ nguyên liệu làm trà sữa với giá rất hấp dẫn. Một bạn từng làm ở quán trà sữa vỉa hè nói rằng, chỉ cần khoảng 100.000 đồng mua nguyên liệu có thể pha chế được gần 50 ly trà sữa.
Vào năm 2012, một nghiên cứu ở Đức còn tìm thấy chất gây ung thư styrene, acetophenone và các chất brom hóa trong hạt trân châu ở một chuỗi cửa hàng nhượng quyền thương mại mà nguyên liệu nhập khẩu từ Đài Loan. Những hóa chất này đã được chứng minh là có khả năng gây hại hệ thống miễn dịch, sinh sản, thần kinh và nội tiết. Các nhà sản xuất trân châu Đài Loan tỏ ra bất mãn và cho rằng; việc không nhắc đến thương hiệu cụ thể nào trong báo cáo đã gây bất lợi cho hoạt động kinh doanh của họ.
Vào năm 2013, nhiều cửa hàng trà sữa trân châu ở Singapore đã loại bỏ hạt trân châu khỏi trà sữa sau khi nước này thu hồi 11 loại hạt nhập từ Đài Loan. Lý do vì các sản phẩm này có chứa a-xít maleic; chất có thể gây tổn thương thận nếu tiêu thụ với số lượng nhiều.
Bạn nên làm gì?
Nếu quá ghiền trà sữa, bạn nên chọn trà sữa của các thương hiệu uy tín; có nguồn gốc nguyên liệu rõ ràng, đã được kiểm duyệt. Nên chọn loại trà càng đơn giản, càng tốt. Không nên thử các loại trà quá nhiều màu sắc. Bạn cũng đừng đặt niềm tin vào trà sữa nhà làm nếu bạn không biết chính xác nguồn gốc nguyên liệu. Tự làm ở nhà có lẽ là cách an toàn nhất nếu bạn và các thành viên gia đình đều mê thức uống này.
Năng lượng cao nhưng nghèo dinh dưỡng
Một ly trà sữa cung cấp từ 300 kcal trở lên. Lượng calo này đến từ đường, sữa đặc có đường; kem béo, tinh bột từ hạt trân châu, các loại topping… Hầu như không có chất xơ, protein, vitamin hay khoáng chất.
Chỉ nói riêng về hạt trân châu. Thành phần chủ yếu là carbohydrate nên bản thân nó cung cấp rất nhiều calo. Theo Ban Xúc tiến Y tế Singapore (HPB); lượng hạt trân châu có trong một ly trà sữa có thể cung cấp hơn 100 calo. Một ly trà sữa ở đây thường cung cấp 334 calo.
Vì thế, nếu uống 2–3 ly trà sữa trong ngày, hoặc uống trước bữa ăn, bạn sẽ khó còn có nhu cầu muốn tiếp nhận thêm các thực phẩm giàu dinh dưỡng khác.
Các bạn hảo vị ngọt của trà sữa cũng rất dễ thừa cân, béo phì. Béo phì là nguồn cơn của rất nhiều loại bệnh khác nhau, trong đó có ung thư.
Bạn nên làm gì?
Bà Wong Hui Xin, chuyên gia dinh dưỡng tại Singapore cho hay: “Uống trà đen hoặc trà xanh không đường có lợi cho sức khỏe. Uống trà sữa trân châu thường xuyên không phải là lựa chọn lành mạnh nếu bạn muốn duy trì cân nặng hoặc kiểm soát lượng calo và đường nạp vào cơ thể”.
Ngay cả với người khỏe mạnh, việc uống trà sữa cũng phải điều độ. Không nên uống trà sữa hàng ngày. Bạn chỉ nên uống tối đa một hai lần mỗi tuần. Khi uống, bạn nên chọn ly nhỏ và yêu cầu trà sữa với sữa tươi, không cho đường và sữa đặc, cũng không thêm topping. Thêm vào đó, bạn không nên gọi trà có hạt trân châu để cắt giảm thêm calo đến từ những hạt này.
Nguy cơ nghẹt thở khi uống trà sữa
Theo các nhà nghiên cứu Đức, trà sữa trân châu tiềm ẩn nguy cơ gây nghẹt thở. Tiến sĩ Andreas Hensel trong nghiên cứu này, cho biết: “Trẻ em, đặc biệt là trẻ em từ 4 tuổi trở xuống, có nhiều nguy cơ bị các vật lạ xâm nhập vào phổi. Đó chính là nguy cơ xảy ra khi hạt trân trâu trong trà sữa được hút qua ống hút”.
Mặc dù thức ăn nào cũng có thể gây hóc ở trẻ nhưng hạt trân châu đặc biệt nguy hiểm. Nó to, mềm, bám dính nên dù có áp dụng các biện pháp cấp cứu; đẩy dị vật ra khỏi đường thở, hạt trân châu cũng khó bị đẩy ra. Hạt trân châu mắc kẹt sẽ làm bít đường thở, gây ngưng thở, ngừng tim và tử vong.
Không riêng trẻ nhỏ, người lớn cũng có thể bị mắc hạt trân châu trong đường thở.
Bạn nên làm gì? Khi nhận ly trà sữa từ cửa hàng, bạn nên lấy ống hút kèm chiếc muỗng. Ống hút dùng để uống nước còn muỗng dùng để ăn hạt trân trâu hay các loại thạch. Điều quan trọng là bạn hãy uống từ từ, đừng uống quá nhanh. Hạt trân châu có thể vô tình lọt vào ống hút và bay thẳng vào đường thở của bạn.
Trẻ em uống trà sữa cần có người lớn bên cạnh. Không trao cho các em ống hút để thưởng thức thức uống này.
Uống nhiều trà sữa gây thiếu sắt
Truyền thông Đài Loan từng ghi nhận một trường hợp nữ sinh bị thiếu máu trầm trọng dẫn đến khó chịu; chán ăn và luôn thấy mệt mỏi. Nguyên nhân đẩy cô gái vào tình trạng này chính là vì cô uống đến ba cốc trà sữa một ngày.
Rất có thể ly trà sữa của bạn được pha từ trà xanh. Trà xanh có chứa tannin – chất có khả năng ngăn chặn sự hấp thu sắt từ thực phẩm và thực phẩm bổ sung. Một báo cáo của Đại học Bang Pennsylvania cho thấy; chất chống ô-xy hóa polyphenol trong trà xanh cũng ức chế hấp thu sắt.
Bên cạnh đó, uống trà sau bữa ăn giàu sắt có thể làm cho các hợp chất chính trong trà gắn với sắt. Khi điều này xảy ra, trà xanh sẽ mất khả năng chống ô-xy hóa. Như vậy, tiêu thụ quá nhiều trà xanh, dù bằng nguồn nào, cũng có thể dẫn đến thiếu máu do thiếu sắt và làm mất hiệu quả chống ô-xy hóa của trà.
Bạn nên làm gì?
Để giảm thiểu tác dụng phụ, bạn không nên uống trà sữa trong vòng 1 giờ trước và sau bữa ăn. Nếu bạn là dân ghiền trà sữa, bữa ăn của bạn nên bổ sung nhiều loại thực phẩm giàu vitamin C vì vitamin C hỗ trợ trong hấp thu sắt.
Bài: XOA NGUYỄN
Tiếp Thị Gia Đình