Dù được điều trị tích cực nhưng chỉ sau bốn tháng từ khi phát hiện bệnh, nhạc sỹ – ca sỹ Trần Lập đã không qua khỏi bởi sự tàn phá của ung thư trực tràng. Từ một chàng trai có thể lực khỏe mạnh, tinh thần lạc quan, Trần Lập nhanh chóng rơi vào tình trạng nguy kịch. Điều đó cho thấy căn bệnh này có sự tàn phá vô cùng lớn mà không phải ai cũng biết.

Bác sỹ Nguyễn Bá Nhuận, khoa Ngoại Tiêu hóa và Tầm soát Ung thư, Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh TP. HCM, cho biết: “Trực tràng là đoạn ngắn gần cuối của ruột già, nằm phía trên hậu môn nên rất dễ mắc phải các căn bệnh gây viêm loét, dẫn đến ung thư. Căn bệnh này nguy hiểm ở chỗ thường dễ bị nhầm lẫn với các biểu hiện bệnh tiêu hóa thông thường như đầy hơi, khó tiêu, táo bón và tiêu chảy. Các biểu hiện bệnh thường không kéo dài liên tục mà sẽ có khoảng cách khiến người bệnh chủ quan và mất sự đề phòng. Đến khi phát hiện, bệnh đã chuyển sang giai đoạn hai hoặc ba nên rất khó điều trị dứt điểm”.
VÌ ĐÂU NÊN BỆNH?
Đến nay, chưa có nghiên cứu cho biết nguyên nhân cụ thể gây bệnh, nhưng các chuyên gia về ung thư và tiêu hóa nhận định ung thư trực tràng có thể từ:
♦ Polyp đại trực tràng: Các polyp này mọc trên thành bên trong đại trực tràng, thường lành tính nhưng một số polyp trở nên ác tính, phát triển thành ung thư.
♦ Bệnh Crohn hoặc viêm loét trực tràng: Khi trực tràng bị tổn thương do viêm loét hoặc bệnh Crohn, nguy cơ mắc ung thư sẽ cao hơn.
♦ Có tiền sử ung thư: Người có tiền sử bị ung thư buồng trứng, cổ tử cung, vú… có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
♦ Gia đình có người bị bệnh: Khi người thân từng mắc ung thư trực tràng, nguy cơ mắc bệnh rất cao.
♦ Lối sống không lành mạnh: Người lười vận động, uống nhiều bia rượu, hút thuốc, ăn uống nhiều đạm (thịt lợn, bò, dê…), ít chất xơ, ăn đồ cay nóng cũng có thể dẫn đến bệnh này.
DẤU HIỆU ĐIỂN HÌNH
♠ Thường xuyên đau co thắt ruột kèm đầy hơi, chướng bụng.
♠ Tiếp theo, đi tiêu ra máu, lẫn trong phân và chảy thành giọt (dễ nhầm với trĩ).
♠ Phân có lúc lỏng lúc đặc, đường kính của phân hẹp hơn bình thường.
♠ Gầy, sụt cân bất thường kèm mệt mỏi, chán ăn và buồn nôn.
KHI BỊ BỆNH, CẦN XỬ LÝ
Tùy tình trạng bệnh và sức khỏe bệnh nhân, bác sỹ sẽ:
♦ Phẫu thuật: Cắt bỏ khối u cùng các hạch lân cận trong trực tràng, nối phần ruột lành lại với nhau.
♦ Hóa trị: Sử dụng các loại thuốc đặc trị để tiêu diệt tế bào ung thư còn sót lại sau phẫu thuật.
♦ Xạ trị: Dùng tia X để tiêu diệt tế bào ung thư. Có thể thực hiện trước hoặc sau khi phẫu thuật.
♦ Liệu pháp sinh học: Sử dụng thuốc giúp sửa chữa các mô của tế bào đã bị tổn thương. Thực hiện phương pháp này trước, sau hoặc kết hợp với các phương pháp khác (hóa trị, xạ trị) để đạt kết quả tốt nhất.
ĐỂ PHÒNG BỆNH, BẠN NÊN
♥ Hãy vận động cơ thể hợp lý ít nhất 45 phút mỗi ngày để tăng cường thể lực và khả năng miễn dịch, chống chọi với bệnh tật.

♥ Tránh uống rượu bia, hút thuốc lá cùng các loại chất kích thích gây hại khác.
♥ Cắt giảm tối đa các loại thức ăn chứa nhiều dầu mỡ và cay nóng.
♥ Ăn nhiều chất xơ (cà chua, cà-rốt, hành tây, tỏi, nghệ…), vitamin C (dâu tây, các loại quả có múi, bông cải…) để tăng hệ miễn dịch.
♥ Ăn thực phẩm hấp, luộc, kho thay vì thức ăn đóng hộp, chế biến sẵn, chứa nhiều chất bảo quản.
♥ Đặc biệt, bạn nên khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để sớm phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.
ĐỊA CHỈ ĐIỀU TRỊ
Nếu thường xuyên tầm soát bệnh và phát hiện bệnh ung thư trực tràng, bệnh nhân thể đến các bệnh viện sau để chữa trị:
♣ Bệnh viện Bạch Mai: 78 Giải Phóng, Phương Mai, Q. Đống Đa, Hà Nội.
♣ Bệnh viện Ung bướu: Phùng Hưng, Hòa Minh, Q. Liên Chiểu, Đà Nẵng.
♣ Bệnh viện Ung bướu TP. HCM: 3 Nơ Trang Long, Q. Bình Thạnh, TP. HCM.
Bài: Vương Huy Khôi
Mục Sức khỏe / Tiếp Thị Gia Đình