Các hộp chứa nguồn phóng xạ thường được dán biểu tượng quạt ba cánh màu đen
Nhật Bản là nước tiên tiến hàng đầu nhưng vẫn phải vất vả để tìm ra hướng giải quyết sau sự cố rò rỉ nguồn phóng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima xảy ra vào ngày 11–3–2011. Mới đây, tại Việt Nam, một nguồn phóng xạ nguy hiểm đã bị thất lạc đến nay vẫn chưa tìm ra. Để bảo đảm an toàn cho gia đình và bản thân, bạn nên tham khảo những thông tin sau.
TRÁNH XA NGUỒN PHÓNG XẠ
Theo thống kê của Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân, Việt Nam có hơn 6.000 nguồn phóng xạ được cấp phép sử dụng và hàng nghìn nguồn khác đang được lưu giữ. Vì thế, rủi ro nhiễm xạ bị rò rỉ rất cao. Khi nghi ngờ môi trường sống có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi phóng xạ, bạn nên thoát khỏi khu vực đó, tránh tiếp xúc với các vật dụng bằng kim loại, không sử dụng nguồn nước, thực phẩm xung quanh. Chôn sâu nguồn nghi ngờ phóng xạ xuống đất và báo ngay cho cơ quan chức năng.
VÌ SAO PHÓNG XẠ NGUY HIỂM?
Phóng xạ là hiện tượng một số hạt nhân nguyên tử không bền tự biến đổi và phát ra các bức xạ hạt nhân (còn gọi là tia phóng xạ). Nguồn phóng xạ thường có trong rác thải, vũ khí, chất thải y tế, nguyên liệu, năng lượng, công nghệ sinh học… Nếu bị rò rỉ ra ngoài với liều lượng vượt mức cho phép, chúng sẽ gây nhiễm xạ. Khi bị phơi nhiễm nguồn phóng xạ ở mức độ 1 gray, người bị nhiễm sẽ cảm thấy khó chịu, buồn nôn, sốt cao, choáng váng…
Nếu nhiễm xạ ở mức độ cao hơn, khoảng 4 gray, có thể ảnh hưởng vào tế bào làm biến đổi mô, gây ra các dạng đột biến, dị dạng, đặc biệt là ung thư, thậm chí khiến bạn thiệt mạng.
XỬ LÝ KHI BỊ NHIỄM XẠ
Khi có biểu hiện của nhiễm xạ như nôn mửa, da xuất hiện các vết như ban đỏ, phù nề, bỏng rộp, tróc da… bạn nên cởi bỏ quần, áo, giày, dép để giảm thiểu nguy cơ nhiễm xạ và tắm sạch bằng xà phòng diệt khuẩn. Kế đến, bạn cần đến cơ quan y tế gần nhất để theo dõi ngay. Đồng thời, tường thuật rõ với bác sỹ về nguồn nhiễm xạ bị nghi ngờ gần đó như các nhà máy điện hạt nhân, viện nghiên cứu nguyên tử, nhà máy nhiệt điện, trung tâm nuôi trồng, nhà máy công nghệ cao…
Nếu người nhà bị nhiễm xạ, bạn nên cách ly và báo ngay với các cơ quan chức năng. Tuyệt đối không chạm đến các vật dụng kim loại mà nạn nhân từng dùng.
BẠN CÓ BIẾT?
√ Thông thường, các hộp chứa nguồn phóng xạ được làm bằng kim loại, đa dạng như hình trụ, hộp hoặc tròn, được sơn màu nhũ bạc, có dán biểu tượng hình tam giác viền đen, bên trong hình quạt ba cánh màu đen.
√ Khi phát hiện những vật thể lạ nghi ngờ là nguồn phóng xạ, bạn nên liên hệ với các cơ quan gần nhất để được hướng dẫn di dời cũng như xử lý.
THẤT LẠC NGUỒN PHÓNG XẠ Co–60 TẠI BÀ RỊA – VŨNG TÀU
Đến nay, các cơ quan chức năng vẫn chưa tìm thấy nguồn phóng xạ bị thất lạc. Theo một số chuyên gia, quy mô thất lạc không chỉ giới hạn ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu mà có thể mở rộng ra các khu vực lân cận như Đồng Nai, Bình Dương và TP. HCM.
Các dấu hiệu nhận biết thiết bị chứa nguồn phóng xạ Co–60 đang bị thất lạc tại nhà máy thép Pomina 3 gồm: hình trụ, đường kính 140mm, dài 458mm; cân nặng khoảng 45kg; màu trắng bạc; có biển cảnh báo hình ba cánh quạt màu đen trong tam giác màu vàng. Nếu tổ chức, cá nhân nào biết được vị trí thiết bị này, vui lòng thông báo ngay cho Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu theo số điện thoại (064) 385 8298 hoặc liên hệ trực tiếp đến ông Đỗ Vũ Khoa – Phó trưởng phòng Sở Khoa học và Công nghệ: 090 926 2464.
Theo Tiếp Thị Gia Đình