Tuổi thọ trung bình gia tăng từ 65 lên 70
Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh, trước đây 65 được xem là cột mốc của tuổi già, nhưng giờ đây đã trở thành 70. Bởi đã có nhiều người bước qua được cột mốc này và sống thêm được 15 năm nữa. Họ cho rằng kéo dài được tuổi thọ trung bình là tín hiệu đáng mừng trong việc chống lại tuổi già.
Trong nhiều thập kỉ qua, 65 là độ tuổi về hưu cho nam giới. Từ 65 tuổi trở đi họ đã có thể nhận trợ cấp nghỉ hưu.
Nhưng hiện nay, giờ giấc và chế độ làm việc đang dần thay đổi. Tuổi về hưu đang gia tăng đối với cả nam lẫn nữ giới. Đối với nam giới, tuổi về hưu sẽ là 66 vào năm 2020 và nữ sẽ là 67 vào năm 2028.
Các chuyên gia còn nói rằng con người không chỉ sống thọ hơn mà lối sống cũng lành mạnh hơn xưa.
Thay đổi qua các thời kì
Trung tâm Thống kê Tuổi thọ và Nhân khẩu của Anh đã xem lại dữ liệu từ những năm trước. Sau đó đã đưa ra so sánh các xu hướng qua từng thời kì.
Nếu như lấy 15 năm cuối cùng của cuộc đời làm tiêu chuẩn, thì độ tuổi của con người khi chạm đến mức này đã tăng lên trong suốt các thế kỉ qua.
Vào năm 1951, đàn ông và phụ nữ ở khoảng độ tuổi 60 có thể sống thêm 15 năm nữa. Cuối thập niên 90, con số lên đến 65 và gần đây nhất là 70. Đến năm 2057, các chuyên gia dự đoán tuổi thọ trung bình sẽ là 75. Tất cả là nhờ vào sự cải tiến trong chăm sóc sức khoẻ và điều kiện sống.
Tuổi thọ trung bình gia tăng nhưng con người có khoẻ mạnh hơn?
Rõ ràng, sức khoẻ của con người ngày càng được cải thiện trong những năm qua. Nhưng tình trạng sức khoẻ sau cột mốc tuổi thọ trung bình lại không phải lúc nào cũng khả quan.
Theo tính toán của các chuyên gia, thể trạng của phụ nữ ở độ tuổi 70 vào năm 2017 tương đương với những người ở độ tuổi 60 vào năm 1981. Nếu bị bệnh mãn tính thì tình trạng sức khoẻ lúc đó sẽ tương tự với phụ nữ ở khoảng độ tuổi 64.
Đối với nam giới, thể trạng ở độ tuổi 70 vào năm 2017 tương đương với những người ở độ tuổi 65 vào năm 1997. Còn những ai mắc bệnh mãn tính thì sẽ có thể trạng tương đương với những người ở độ tuổi 57.
Libby Webb – quản lý cấp cao tại tổ chức từ thiện Age UK nói rằng tuổi thọ trung bình gia tăng chứng tỏ điều kiện sống đã tốt hơn lúc xưa rất nhiều. Tuy nhiên, ai cũng vẫn sẽ phải trải qua bệnh tật trong những năm tháng cuối cùng của cuộc đời. Bà còn nói điều đó đồng nghĩa với việc giờ đây đã có nhiều người “rất già” hơn xưa. Kèm theo đó là những nhu cầu chăm sóc phức tạp hơn. Thế nhưng, sự chênh lệch giữa người giàu và người nghèo vẫn còn đó. Và người giàu vẫn được hưởng những dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tốt hơn.
Bên cạnh đó, Webb khẳng định, một xã hội đang già hoá không nên bị xem là dấu hiệu xấu. Bởi người già cũng có rất nhiều đóng góp quan trọng cho xã hội. Nhờ vào những năm tháng mà họ làm việc lúc trẻ và những hoạt động tình nguyện khác. Suy cho cùng, tuổi tác cũng chỉ là một con số. Và những con số khác nhau sẽ có những ý nghĩa khác nhau.
Dịch: Duyen Tran
Nguồn: BBC
Tiếp Thị Gia Đình