Hôm qua (18−5), ông Lê Đức Chính, Hiệu trưởng trường THCS Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, đã xác nhận với báo giới về trường hợp một nữ sinh lớp 6 nhảy lầu tự tử tại trường.
Theo thông tin từ đại diện nhà trường, nạn nhân tên N.T.K.T, hiện đang theo học tại lớp 6/3. Vào chiều ngày 17−5, đang trong giờ học, em T bất ngờ trèo qua lan can tầng 2 của dãy nhà cao tầng và gieo mình xuống sân trường tự tử. Nhờ được các thầy cô đưa đi cấp cứu kịp thời, em T chỉ bị chấn thương cột sống và hiện đang được điều trị tích cực tại khoa Ngoại thần kinh, bệnh viện Trung ương Huế.
Trước khi thực hiện hành động này, nữ sinh lớp 6 nhảy lầu tự tử đã để lại 4 bức thư tuyệt mệnh. Trong đó, 2 bức được em T ghi là gửi cho bạn bè, 1 bức gửi cho mẹ và bức còn lại gửi cho ông Lê Đức Chính, hiệu trưởng trường THCS nơi em đang học.
Được biết, nhiều năm qua em T sống cùng ông bà nội vì bố mẹ phải sang Lào làm ăn. Gần đây, em lại chịu một cú sốc nặng nề vì chị gái đột ngột qua đời do tai nạn giao thông. Trải qua mất mát to lớn, em T thấy mình không nhận được sự quan tâm của bố mẹ nên nảy sinh tâm lý tiêu cực, muốn tìm đến cái chết để tự giải thoát.
HAI VẤN NẠN CỦA THỜI HIỆN ĐẠI
Vụ nữ sinh lớp 6 nhảy lầu tự tử có thể xem là một hồi chuông cảnh báo về mối quan hệ trong gia đình hiện nay. Trong thời buổi bận rộn này, cha mẹ không đủ thời gian để thấu hiểu, quan tâm đến đời sống tinh thần của con và vô tình đẩy con vào trạng thái tâm lý cô độc. Nếu bạn không chuẩn bị sẵn tâm lý, con có thể có những suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực khi biến cố bất ngờ ập tới.
Chia sẻ với Tiếp Thị Gia Đình, thạc sỹ Nguyễn Thị Tâm – Giám đốc trung tâm ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt, cho rằng: “Trẻ em rất nhạy cảm, đặc biệt là ở lứa tuổi mới lớn. Với những vấn đề có liên quan đến tình yêu thương và sự tôn trọng, trẻ sẽ có những phản ứng rất mạnh mẽ. Vì lẽ đó, bố mẹ nên chú ý đến những thay đổi tâm lý của độ tuổi này và có sự quan tâm đúng mực. Hãy làm mọi cách để có thể đến gần với con, trở thành người bạn được con tin tưởng và sẻ chia những khúc mắc của mình”.
Dù ở gần hay xa, khoảng cách không quan trọng bằng việc bạn thể hiện tình yêu thương với con thế nào. Bên cạnh đó, thời gian dành cho con cũng không quan trọng bằng chất lượng thời gian bạn ở bên con.
Nếu bạn ở gần con, mỗi ngày bạn nên có 30 phút – 1 giờ đồng hồ để trò chuyện, lắng nghe tâm tư hay có những hoạt động chung cùng con. Nếu bạn ở xa con, có rất nhiều phương tiện như điện thọai, skype… giúp thu hẹp khoảng cách địa lý. Quy tắc giao tiếp để con muốn nói chuyện, sẵn sàng chia sẻ mọi cảm xúc với bạn là lắng nghe, tôn trọng, đừng áp đặt ý kiến lên con bạn.
Để giúp con vượt qua biến cố như mất mát người thân yêu, bạn cần phải hiểu diễn biến tâm lý thông thường của con người khi đối diện với mất mát. Để chấp nhận một sự thật đau lòng, chúng ta thường phải đi qua 5 giai đoạn: sốc, thương thuyết, tức giận, suy sụp rồi mới có thể chấp nhận sự thật. Nếu không phải người kiên cường, lại không nhận được sự hỗ trợ tinh thần đúng lúc, con dễ rơi vào trạng thái trầm cảm, cô độc, suy sụp, khó vực dậy và đó chính là khởi nguồn của những suy nghĩ tiêu cực, trong đó có tự tử. Trong lúc này cái cần nhất đối với con không phải là bỏ đi kiếm thật nhiều tiền cho con mà là thời gian bạn ở cạnh con để động viên, tạo cho con cảm giác an toàn.
Yêu thương con không chỉ là cho con một cuộc sống đầy đủ, mà còn là cách bạn tạo cho con nơi trú ngụ ấm áp trong tâm hồn bằng sự quan tâm, sẻ chia và thấu hiểu.
Bài: Hân Thái
Tiếp Thị Gia Đình