Tử tế giá bao nhiêu?

Thỉnh thoảng ai trong chúng ta cũng cảm thấy buồn khi mình hết lòng, tử tế với người khác mà không được đáp lại xứng đáng. Chúng ta cảm thấy phí hoài tâm sức cho điều không đáng

Tôi có trao đổi cùng tiến sỹ tâm lý Trần Hữu Đức về vấn đề một số người cố gắng sống tử tế đang cảm thấy thất vọng. Ông cho rằng đó là một trong những nguyên do khiến con người không hạnh phúc. Nguyên do lớn còn lại là ghen tị và không biết trân trọng những gì đang có.

Ta chọn cho đi không phải để nhận lại

Tôi suy nghĩ nhiều về những kỳ vọng của con người với người khác; giữa xấu và tốt… Tôi nhận thấy sống hết mình, đối xử tử tế với người khác không phải là để kỳ vọng họ báo đáp mình; tử tế lại với mình. Đó là mình chọn cách sống đó. Nghĩ như vậy chúng ta sẽ thấy mọi thứ thật nhẹ nhàng.

Có một điểm dối lừa trong tâm lý hành vi. Đó là ta hết lòng và tử tế không có nghĩa là ta tốt đẹp hơn những người không hết lòng. Đó là cách sống của họ và họ sẽ nhận được những điều tương xứng với cách sống đó.

Nếu ta có thể sống và chơi hết mình thì đó là một tính cách tốt để vui vẻ; không phải hối tiếc. Bạn chỉ cần nhớ là đừng phán xét và cân đo sự “có đi, có lại”. Bởi, ta chọn cách sống tử tế đó, hết lòng thì mình sướng trước.

Tôi cho anh cái này, anh cho tôi cái kia; nếu nó không xứng với cái tôi cho anh; thì tôi thấy thua thiệt – hậm hực? Về căn bản sự hết lòng này vẫn sẽ dìm bạn vào sự tệ hại.
Nếu bị đối xử tệ mà không nhận ra và chấp nhận cái tệ hại; bạn mới chỉ hết lòng với kẻ khác mà chưa hết lòng, tử tế với chính mình. Đau khổ là đương nhiên, bởi bạn đã chấp nhận bị chà đạp.

Nếu bạn thấy chua chát khi sự tử tế của mình không được đền đáp; và quyết định giờ sẽ không hết lòng và tử tế nữa; thì bạn càng sa lầy. Bởi bạn đã bị chuyển hóa thành chính những kẻ mà bạn đang rất ghét. Đó là một cái bẫy của bi kịch.

Tử tế là lựa chọn can đảm

Lịch lãm là một thái độ sống, nó không chỉ mua bằng tiền. Tử tế, hết lòng, chơi đẹp cũng là thái độ sống; không nên vật chất hóa nó, cân đo giá trị của nó. Khi ta cân đo rằng ta nhận lại phần không xứng với sự tử tế mà ta bỏ ra; ta đang mất dần đi phần lõi tốt đẹp mà mình có.

Tất nhiên, ai đó sẽ nói bạn ngốc. Không sao, bởi tử tế là một dạng can đảm; là lựa chọn trong thời cuộc đầy khó khăn sức ép ngày nay. Giá của cái đẹp không rẻ. Khi chọn hướng thiện, hướng thượng, ta đấu tranh với điều xấu mỗi ngày.

Muốn không bị thua thiệt vì là người tử tế; bạn phải sống có nguyên tắc và kỷ luật. Can đảm sẽ lớn dần khi bạn có hai điều trên. Đừng sống vì sự nhìn nhận đánh giá của kẻ khác. Tuy nhiên, bạn cần đủ kiêu hãnh để có một bộ dạng chỉn chu để kẻ khác không coi thường bạn.


Nếu bạn không giàu có, bạn chỉ cần sống tốt bụng là đủ đẹp với đời. Nếu bạn giàu, bạn chia sẻ nhiều hơn. Vậy thôi.

Đời có vài chục năm, thậm chí ngày mai chết vì tỷ lý do. Hết mình là thái độ sống của hiện Tại. Ngay lúc này, bạn cần hành động; cần thấy vui và cần thấy cảm giác ý nghĩa.

Nếu nợ ai lời xin lỗi, hãy xin lỗi ngay và luôn. Nếu lâu quá không gọi điện cho bố mẹ, hãy nhấc máy lên gọi liền…

Tôi không dám đề cập đến lòng tốt toàn vẹn; bản chất của nó đã an nhiên và can trường, không phải ai cũng đạt đến. Lòng tốt là một quá trình phải trải qua nhiều thử thách thì mới bền vững.

Trong mỗi người đều có phần xấu xa. Ta phải đấu tranh với cái xấu trong ta mỗi ngày để chọn điều tốt đẹp; chứ tốt đẹp không tự hiện ra. Tốt đẹp cũng không phải là lựa chọn dễ dàng; bởi làm điều xấu hay chọn sự lười nhác thì rất dễ.

Nếu đang ôm trái đắng vì mình đã tử tế và hết mình; hãy nhớ đó là thử thách mà cuộc sống dành cho bạn. Đừng thù ghét kẻ khác và thù ghét bản thân. Hãy làm đẹp, ăn mặc đẹp và xắn tay làm điều gì đó. Đừng quên là giữ vững phong cách sống tử tế hết mình; vì đó không phải là cuộc mua bán.

Bạn chọn điều đó!

Đừng bỏ qua